Underline menu menu close

HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM - HÀN QUỐC (VKFTA)

Tiêu chí xuất xứ: Theo quy định tại Hiệp định, hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ tại một bên (Việt Nam hoặc Hàn Quốc) nếu đáp ứng được một trong các điều kiện sau:

  • Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu;
  • Được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu và chỉ từ các nguyên liệu có xuất xứ; hoặc không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu nhưng đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ được quy định cụ thể trong Phụ lục về Quy tắc xuất xứ cụ thể từng mặt hàng (Phụ lục 3-A) hoặc Phụ lục về các hàng hóa đặc biệt (Phụ lục 3-B).

Nói chung, Quy tắc xuất xứ trong VKFTA chặt hơn so với AKFTA nhưng vẫn tương đối đơn giản. Nhìn chung, để được hưởng ưu đãi thuế quan theo VKFTA, hàng hóa cần đáp ứng được một trong các tiêu chí sau:

  • Tỷ lệ Hàm lượng giá ở khu vực (RVC) theo quy định (thường là trên 40%);
  • Chuyển đổi mã HS (2 số, 4 số hoặc 6 số); hoặc trải qua một công đoạn sản xuất hoặc chế biến (các sản phẩm dệt may).

Hàng hóa không đáp ứng được tiêu chí xuất xứ chuyển đổi mã HS vẫn được coi là có xuất xứ nếu:

  • Đối với các hàng hóa không thuộc các Chương từ 50 đến 63 trong Hệ thống Hài hòa trị giá của tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ không vượt quá 10% trị giá FOB của hàng hóa.
  • Đối với các hàng hóa thuộc các Chương từ 50 đến 63 trong Hệ thống Hài hòa (HS), trọng lượng của tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ không vượt quá 10% trọng lượng hàng hóa, hoặc giá trị của tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ không được vượt quá 10% trị giá FOB của hàng hóa.
  • Quy định đối với một số hàng hóa đặc biệt: Hiệp định bao gồm một Phụ lục (3-B) về 100 hàng hóa đặc biệt (Danh mục các hàng hóa này có thể được sửa đổi nếu được cả hai bên đồng ý). Đây là các loại hàng hóa được sản xuất hoặc gia công chế biến tại Khu công nghiệp Khai Thành thuộc Bán đảo Triều Tiên. Hiệp định có quy định riêng về xuất xứ và cơ chế tự vệ đối với loại hàng hóa này.

Quy định về xuất xứ: Hàng hóa vẫn được xem là có xuất xứ dù được sản xuất hoặc gia công chế biến tại Khu công nghiệp Khai Thành thuộc Bán đảo Triều Tiên từ nguyên liệu xuất khẩu từ một bên (Hàn Quốc là chủ yếu), sau đó được tái nhập trở lại bên đó, với điều kiện tổng giá trị nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ không vượt quá 40% trị giá FOB của hàng hóa.

Thủ tục chứng nhận xuất xứ: về thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi (C/O), FTA vẫn áp dụng quy trình cấp chứng nhận xuất xứ thông qua một cơ quan có thẩm quyền do nhà nước quy định/ủy quyền như trong các VKFTA ký trước đây mà Việt Nam đang thực hiện.

Đặc biệt, Hiệp định cho phép miễn nộp giấy Chứng nhận Xuất xứ đối với các hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan không quá 600USD (trị giá FOB), hoặc một mức cao hơn nếu nước nhập khẩu cho phép.