Underline menu menu close

HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM - HÀN QUỐC (VKFTA)

Các cam kết thuế quan trong VKFTA được xây dựng trên nền các cam kết thuế quan trong FTA ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), nhưng với mức độ tự do hóa cao hơn. VKFTA sẽ cắt giảm thêm một số dòng thuế mà trong AKFTA chưa được cắt giảm hoặc mức độ cắt giảm còn hạn chế, cụ thể như sau:

  • Hàn Quốc sẽ xóa bỏ thêm cho Việt Nam 506 dòng thuế.
  • Việt Nam sẽ xóa bỏ thêm cho Hàn Quốc 265 dòng thuế.

Tổng hợp cả các cam kết trong VKFTA và AKFTA thì:

  • Hàn Quốc sẽ xóa bỏ cho Việt Nam 11.679 dòng thuế.
  • Việt Nam sẽ xóa bỏ cho Hàn Quốc 8.521 dòng thuế.

Chương về Dịch vụ trong VKFTA được chia làm 02 phần:

a. Cam kết về nguyên tắc:

Hai bên cam kết về các quy định và nghĩa vụ chung nhằm đảm bảo quyền lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ và dịch vụ của mỗi bên khi tiếp cận thị trường dịch vụ của bên kia. Mỗi bên sẽ dành cho các nhà cung cấp dịch vụ và dịch vụ của bên kia các quyền lợi cơ bản là:

    • Đối xử quốc gia (NT): Đối với những ngành được nêu trong Biểu cam kết cụ thể, tùy thuộc vào các điều kiện và tiêu chuẩn được quy định trong đó, mỗi bên phải dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của bên kia, trong hoàn cảnh tương tự, đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử được bên đó dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của mình.
    • Đối xử tối huệ quốc (MFN): Nếu sau khi VKFTA có hiệu lực mà một Bên trong Hiệp định (Việt Nam hoặc Hàn Quốc) ký các thỏa thuận với một bên thứ 3 mà trong đó dành các đối xử ưu đãi hơn cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của bên thứ 3 đó, thì một bên được yêu cầu tham vấn với bên kia để xem xét khả năng gia tăng các đối xử ưu đãi trong VKFTA không kém thuận lợi hơn so với các đối xử ưu đãi trong thỏa thuận với bên thứ 3 đó, trừ trường hợp các đối xử ưu đãi này là theo các hiệp định hiện có hoặc hiệp định giữa các thành viên ASEAN.

b. Cam kết về mở cửa thị thường:

Cam kết mở cửa thị trường Chương Dịch vụ trong VKFTA áp dụng cách tiếp cận chọn - cho tương tự như trong WTO, tức là mỗi bên sẽ có một danh mục các lĩnh vực cam kết trong đó liệt kê các lĩnh vực mở cửa và mức độ mở cửa, các lĩnh vực nào không được liệt kê là không có cam kết.

Đối với các lĩnh vực có cam kết, tùy vào nội dung cam kết cụ thể, mỗi bên sẽ không ban hành hoặc duy trì các biện pháp ảnh hưởng đến các nhà cung cấp dịch vụ của bên kia gồm hạn chế về số lượng nhà cung cấp dịch vụ; hạn chế về giá trị giao dịch; hạn chế về tổng số hoạt động dịch vụ hoặc số lượng dịch vụ đầu ra; hạn chế về tổng số nhân lực tuyển dụng; hạn chế về loại hình doanh nghiệp; hạn chế về vốn góp nước ngoài.

So với các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam và Hàn Quốc trong WTO và AKFTA thì trong VKFTA:

    • Việt Nam mở cửa hơn cho Hàn Quốc trong 02 phân ngành:
      • Dịch vụ quy hoạch đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị.
      • Dịch vụ cho thuê máy móc và thiết bị khác không kèm người điều khiển.
  • Hàn Quốc mở cửa hơn cho Việt Nam trong 05 phân ngành:
      • Dịch vụ pháp lý.
      • Dịch vụ chuyển phát.
      • Dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa đường sắt.
      • Dịch vụ hỗ trợ dịch vụ vận tải đường sắt.
      • Dịch vụ nghiên cứu và phát triển khoa học tự nhiên.

Mỗi bên cam kết sẽ bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu từ và khoản đầu tư của các nhà đầu tư của bên kia thông qua các nghĩa vụ quy định cụ thể trong Chương Đầu tư. Trong đó, 4 nghĩa vụ cơ bản là:

    • Đối xử quốc gia (NT): Mỗi bên sẽ dành cho các nhà đầu tư và các khoản đầu tư được bảo hộ của bên kia sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử của bên đó dành cho các nhà đầu tư và khoản đầu tư của bên mình.
    • Đối xử tối huệ quốc (MFN): Mỗi bên sẽ dành cho các nhà đầu tư và các khoản đầu tư được bảo hộ của bên kia sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử của bên đó dành cho các nhà đầu tư và các khoản đầu tư của bất kỳ bên thứ ba nào, trừ trường hợp sự đối xử đó là theo các hiệp định đã có với bên thứ ba hoặc hiệp định giữa các thành viên ASEAN.
    • Phạm vi áp dụng: Cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư trong VKFTA chỉ áp dụng cho các tranh chấp giữa một bên (tư cách nhà nước) và nhà đầu tư của bên kia do nhà nước đó vi phạm một số nghĩa vụ cam kết về đầu tư trong Hiệp định gây thiệt hại đến nhà đầu tư hoặc khoản đầu tư của nhà đầu tư của bên kia liên quan đến việc quản lý, thực hiện, vận hành, hoặc bán hoặc các hình thức định đoạt khác khoản đầu tư đó.
    • Chủ thể giải quyết tranh chấp: Nhà đầu tư có quyền đưa tranh chấp ra giải quyết tại:
      • Tòa án hành chính của nước nhận đầu tư: quy trình và thủ tục sẽ theo quy định và pháp luật của nước đó
      • Trọng tài: theo quy trình và thủ tục quy định trong Hiệp định.

Tiêu chí xuất xứ: Theo quy định tại Hiệp định, hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ tại một bên (Việt Nam hoặc Hàn Quốc) nếu đáp ứng được một trong các điều kiện sau:

  • Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu;
  • Được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu và chỉ từ các nguyên liệu có xuất xứ; hoặc không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu nhưng đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ được quy định cụ thể trong Phụ lục về Quy tắc xuất xứ cụ thể từng mặt hàng (Phụ lục 3-A) hoặc Phụ lục về các hàng hóa đặc biệt (Phụ lục 3-B).

Nói chung, Quy tắc xuất xứ trong VKFTA chặt hơn so với AKFTA nhưng vẫn tương đối đơn giản. Nhìn chung, để được hưởng ưu đãi thuế quan theo VKFTA, hàng hóa cần đáp ứng được một trong các tiêu chí sau:

  • Tỷ lệ Hàm lượng giá ở khu vực (RVC) theo quy định (thường là trên 40%);
  • Chuyển đổi mã HS (2 số, 4 số hoặc 6 số); hoặc trải qua một công đoạn sản xuất hoặc chế biến (các sản phẩm dệt may).

Hàng hóa không đáp ứng được tiêu chí xuất xứ chuyển đổi mã HS vẫn được coi là có xuất xứ nếu:

  • Đối với các hàng hóa không thuộc các Chương từ 50 đến 63 trong Hệ thống Hài hòa trị giá của tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ không vượt quá 10% trị giá FOB của hàng hóa.
  • Đối với các hàng hóa thuộc các Chương từ 50 đến 63 trong Hệ thống Hài hòa (HS), trọng lượng của tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ không vượt quá 10% trọng lượng hàng hóa, hoặc giá trị của tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ không được vượt quá 10% trị giá FOB của hàng hóa.
  • Quy định đối với một số hàng hóa đặc biệt: Hiệp định bao gồm một Phụ lục (3-B) về 100 hàng hóa đặc biệt (Danh mục các hàng hóa này có thể được sửa đổi nếu được cả hai bên đồng ý). Đây là các loại hàng hóa được sản xuất hoặc gia công chế biến tại Khu công nghiệp Khai Thành thuộc Bán đảo Triều Tiên. Hiệp định có quy định riêng về xuất xứ và cơ chế tự vệ đối với loại hàng hóa này.

Quy định về xuất xứ: Hàng hóa vẫn được xem là có xuất xứ dù được sản xuất hoặc gia công chế biến tại Khu công nghiệp Khai Thành thuộc Bán đảo Triều Tiên từ nguyên liệu xuất khẩu từ một bên (Hàn Quốc là chủ yếu), sau đó được tái nhập trở lại bên đó, với điều kiện tổng giá trị nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ không vượt quá 40% trị giá FOB của hàng hóa.

Thủ tục chứng nhận xuất xứ: về thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi (C/O), FTA vẫn áp dụng quy trình cấp chứng nhận xuất xứ thông qua một cơ quan có thẩm quyền do nhà nước quy định/ủy quyền như trong các VKFTA ký trước đây mà Việt Nam đang thực hiện.

Đặc biệt, Hiệp định cho phép miễn nộp giấy Chứng nhận Xuất xứ đối với các hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan không quá 600USD (trị giá FOB), hoặc một mức cao hơn nếu nước nhập khẩu cho phép.