CÁC THÔNG LỆ TỐT NHẤT CỦA VIỆT NAM TRONG TẠO THUẬN LỢI THƯƠNG MẠI

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

CƠ CHẾ MỘT CỬA QUỐC GIA

CỔNG DỊCH VỤ CÔNG QUỐC GIA

HỆ THỐNG THÔNG QUAN TỰ ĐỘNG (VNACCS) VÀ HỆ THỐNG CƠ SỞ DỮ LIỆU THÔNG TIN NGHIỆP VỤ (VCIS) 

ỦY BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA VỀ CƠ CHẾ MỘT CỬA QUỐC GIA, CƠ CHẾ MỘT CỬA ASEAN

 

 

1. CƠ CHẾ MỘT CỬA QUỐC GIA VIỆT NAM

Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN bắt nguồn từ yêu cầu tạo thuận lợi thương mại của các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (gọi tắt là ASEAN) thông qua việc ký kết Hiệp định về xây dựng và thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN ngày 9/12/2005 tại Malaysia và Nghị định thư về xây dựng và thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN đã ngày 20/12/2006 tại Campuchia. Là một thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam đã tham gia ký kết Hiệp định, Nghị định thư nói trên và tích cực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN ngay từ những ngày đầu tiên.

Cơ chế một cửa quốc gia là việc cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua một hệ thống thông tin tích hợp. Cơ quan quản lý nhà nước quyết định cho phép hàng hóa được xuất nhập khẩu, quá cảnh; cơ quan Hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng hóa trên hệ thống thông tin tích hợp (Điều 4, Luật Hải quan năm 2014).

Theo Tổng cục Hải quan, tháng 7/2021 vừa qua, số hồ sơ được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia xấp xỉ 80.000 hồ sơ, với khoảng gần 800 doanh nghiệp tham gia. Lũy kế từ khi triển khai đến hết tháng 7/2021, có 226 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành được chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia, với xấp xỉ 3,97 triệu hồ sơ của gần 48.500 doanh nghiệp.

Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, Việt Nam tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước ASEAN. Tháng 7/2021, số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN xấp xỉ 17.000; số C/O Việt Nam gửi sang các nước trên 31.400. Lũy kế từ khi triển khai đến hết tháng 7/2021, số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 383.446; số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 970.894.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch thực vật với Indonesia, Thái Lan. Dự kiến, Việt Nam kết nối trao đổi chính thức thông tin tờ khai hải quan xuất khẩu điện tử từ ngày 01/10/2021.

Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN đã làm thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Việc triển khai toàn diện thủ tục hải quan điện tử đã tạo ra bước cải cách đột phá cho hoạt động xuất nhập khẩu, thời gian làm thủ tục hải quan được rút ngắn thông qua việc tiếp nhận thông tin tờ khai hải quan và phản hồi kết quả phân luồng tờ khai trong vòng 1 - 3 giây. Qua đó giúp giảm thiểu chứng từ, giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan.

Doanh nghiệp tham gia cơ chế một cửa quốc gia tại: https://vnsw.gov.vn/

 

2. CỔNG DỊCH VỤ CÔNG QUỐC GIA

Ngày 9/12/2019, Việt Nam đã tổ chức Lễ khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) và được truyền hình trực tiếp tới 63 tỉnh, thành trên toàn quốc.

Cổng DVCQG bao gồm 6 cấu phần chính: Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và Bộ câu hỏi/trả lời liên quan đến TTHC; nền tảng xác thực, đăng nhập một lần kết nối với các Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh; nền tảng thanh toán trực tuyến; hệ thống phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; hệ thống hỗ trợ trực tuyến và Tổng đài hỗ trợ.

Cổng DVCQG cung cấp 7 chức năng chính:

- Chức năng đăng nhập một lần, sử dụng 1 tài khoản của Cổng dịch vụ công quốc gia để đăng nhập Cổng dịch vụ công của Bộ, của địa phương.

- Tra cứu về thông tin thủ tục hành chính, dịch vụ công của tất cả các ngành, lĩnh vực, các địa phương trên toàn quốc.

- Theo dõi chi tiết toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công.

- Hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo hướng cá nhân hóa thông tin người dùng, cung cấp các tiện ích liên quan đến việc thực hiện dịch vụ công.

- Tiếp nhận phản ánh kiến nghị liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, chuyển xử lý và theo dõi chi tiết tình trạng xử lý của bộ, ngành, địa phương.

- Thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công sử dụng tài khoản của các ngân hàng, trung gian thanh toán.

- Đánh giá sự hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công….

Xây dựng Cổng DVCQG là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, kết nối Chính phủ với người dân và doanh nghiệp. Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, Cổng DVCQG hướng tới số hóa hồ sơ, giấy tờ giấy, chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.

Cổng DVCQG đi vào vận hành sẽ thúc đẩy cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin; cải thiện vị trí của Việt Nam về chỉ số dịch vụ công trực tuyến trong chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng hàng năm của Liên Hợp Quốc.

Các cá nhân, tổ chức truy cập Cổng Dịch vụ công Quốc gia tại địa chỉ: www.dichvucong.gov.vn

 

3. HỆ THỐNG THÔNG QUAN TỰ ĐỘNG (VNACCS) VÀ HỆ THỐNG CƠ SỞ DỮ LIỆU THÔNG TIN NGHIỆP VỤ (VCIS)

Việt Nam bắt đầu vận hành hệ thống hải quan điện tử hiện đại VNACCS/VCIS vào ngày 1 tháng 4 năm 2014. Hệ thống hiện đại này được xây dựng trên mô hình công nghệ của “Hệ thống thông quan tự động của Nhật Bản” (NACCS) và “Hệ thống hải quan thông minh” (CIS), và được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Hệ thống VNACCS/VCIS là Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia gồm 02 hệ thống nhỏ: (i) Hệ thống thông quan tự động (gọi tắt là Hệ thống VNACCS), sử dụng cho mục đích thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu; (ii) Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ (gọi tắt là Hệ thống VCIS), chủ yếu phục vụ nội bộ cho công tác quản lý rủi ro và giám sát nghiệp vụ của cơ quan Hải quan.

Hệ thống VNACCS/VCIS gồm các phần mềm chủ yếu: Khai báo điện tử (e-Declaration); Manifest điện tử (e-Manifest); Hóa đơn điện tử (e-Invoice); Thanh toán điện tử (e-Payment); C/O điện tử (e-C/O); Phân luồng (selectivity); Quản lý hồ sơ rủi ro/tiêu chí rủi ro; Quản lý doanh nghiệp XNK; Thông quan và giải phóng hàng; Giám sát và kiểm soát.

Hệ thống VNACCS/VCIS là hệ thống thông quan hàng hóa tự động của Việt Nam, được sử dụng cho mục đích thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Hệ thống VNACCS/VCIS tập trung cả 03 khâu: Khâu trước, trong và sau thông quan. Mở rộng thêm các chức năng, thủ tục mới, đó là thủ tục đăng kí danh mục miễn thuế, thủ tục áp dụng chung cả hàng mậu dịch và phi mậu dịch, thủ tục đơn giản đối với hàng trị giá thấp, quản lí hàng hóa tạm nhập - tái xuất.

Hệ thống VNACCS/VCIS tăng cường kết nối với các Bộ, Ngành bằng cách áp dụng Cơ chế một cửa. Theo thiết kế, Hệ thống VNACCS/VCIS có sự kết nối với các Bộ, Ngành. Cơ quan Hải quan sẽ gửi thông tin liên quan đến việc xin cấp phép của các cơ quan chuyên ngành. Kết quả xử lí cấp phép sẽ được thực hiện thông qua Hệ thống.

Hệ thống tiếp nhận và xử lí phân luồng tự động thông tin khai báo của doanh nghiệp và hạn chế sử dụng hồ sơ giấy thông qua việc áp dụng chữ kí điện tử. Thời gian xử lí đối với hàng luồng xanh là 1 - 3 giây. Thời gian xử lí đối với luồng vàng và luồng đỏ phụ thuộc vào thời gian kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa.

Về khai báo và xử lí thông tin khai báo trước thông quan: trước thông quan, hệ thống VNACCS/VCIS hỗ trợ tập trung xử lí thông tin trước khi hàng đến/khai báo để phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát hải quan tại các khâu khai báo.

Hệ thống VNACCS/VCIS kết nối với nhiều hệ thống công nghệ thông tin của các bên liên quan như: doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, cảng, dịch vụ, giao nhận, vận chuyển, ngân hàng, các Bộ, Ngành liên quan.

Hệ thống VNACCS/VCIS tạo nền tảng để xây dựng thành công Cơ chế một cửa quốc gia, đem lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp khi triển khai đầy đủ cơ chế một cửa.

Ưu điểm của Hệ thống VNACCS

Với người khai hải quan, hệ thống mới này nếu triển khai đúng sẽ có một số ưu điểm nổi bật như sau:

  1. Tốc độ thông quan nhanh (sử dụng chữ ký số): với luồng Xanh chỉ mất 1-3 giây, nghĩa là chỉ bấm chuột xong là gần như đã có kết quả phân luồng.Với luồng Vàng hay Đỏ, tất nhiên thời gian xử lý phụ thuộc vào mức độ chuẩn chỉnh của bộ hồ sơ và hàng hóa. Nhưng dù sao, nếu trên 60% tờ khai luồng xanh, thì thời gian phân luồng nhanh như vậy cũng sẽ rất thuận lợi rồi (hy vọng hệ thống này và các bác hải quan thực sự làm được như vậy).
  2. Hạn chế hồ sơ giấy: nhờ liên kết giữa các bộ ngành (khi triển khai hoàn tất) qua phần mềm, nên chứng từ (ví dụ: kiểm tra chất lượng nhà nước) sẽ gửi trực tiếp đến hải quan. Ngoài ra, với luồng xanh bạn sẽ không cần tới chi cục hải quan (vì không có chỗ trên tờ khai để hải quan đóng dấu như trước đây, vậy chẳng cần đến chi cục làm gì). Khi đó bạn có thể tới cảng lấy hàng, theo đúng tinh thần thông tư 128 mới.
  3. Không cần phải khai riêng tờ khai trị giá như hiện nay đối với phương pháp trị giá giao dịch, do một số chỉ tiêu của tờ khai trị giá theo phương pháp trị giá giao dịch vào tờ khai nhập khẩu. Bớt được chứng từ nào cũng tốt, đỡ phức tạp, đúng không bạn?
  4. Giảm bớt số loại hình xuất nhập khẩu: dự kiến hệ thống VNACCS/VCIS sẽ chuẩn hóa chỉ còn khoảng trên 40 mã loại hình xuất khẩu, nhập khẩu (thay vì hơn 200 như hiện nay). Như vậy việc tra cứu cũng dễ hơn cho người khai hải quan rồi.
  5. Không phân biệt loại hình mậu dịch và phi mậu dịch: Nghĩa là hai loại này chỉ khác nhau về hồ sơ chứng từ, thủ tục thông quan giống nhau. Hiện tại, hàng phi mậu dịch thủ tục lằng nhằng và phức tạp hơn khá nhiều so với hàng kinh doanh.

Trang thông tin về VNACCS: http://www.vnaccs.com/

 

4. ỦY BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA VỀ CƠ CHẾ MỘT CỬA QUỐC GIA, CƠ CHẾ MỘT CỬA ASEAN VÀ TẠO THUẬN LỢI THƯƠNG MẠI

Cơ quan chỉ đạo, điều hành cao nhất tầm quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN là Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại (gọi tắt là Ủy ban chỉ đạo quốc gia 1899) được ban hành Quyết định số 1899/QĐ-TTg này 04/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

a. Chức năng, nhiệm vụ

Ủy ban chỉ đạo quốc gia 1899 là có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia theo quy định của Hiệp định và Nghị định thư về xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa ASEAN; triển khai các giải pháp đồng bộ để tạo thuận lợi cho thương mại và giao lưu hàng hóa qua biên giới.

b. Cơ cấu tổ chức

- Trưởng ban Ủy ban chỉ đạo quốc gia 1899: Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Phó Trưởng ban: Bộ trưởng Bộ Tài chính;

- Ủy viên: lãnh đạo của các Bộ, ngành;

- Cơ quan thường trực: Tổng cục Hải quan.