Underline menu menu close

HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (CPTPP)

Về cơ bản, các cam kết về xóa bỏ và cắt giảm thuế quan nhập khẩu trong CPTPP được chia làm ba nhóm chính:

  • Nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay: Thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.
  • Nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình: Thuế nhập khẩu sẽ được đưa về 0% sau một khoảng thời gian nhất định (lộ trình). Trong CPTPP, phần lớn là lộ trình 3-7 năm, tuy nhiên trong một số trường hợp, lộ trình có thể là trên 10 năm. Cá biệt, có một số rất ít dòng thuế có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu trên 20 năm.
  • Nhóm áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ): Đối với nhóm hàng hóa này, thuế nhập khẩu chỉ xóa bỏ hoặc cắt giảm với một khối lượng hàng hóa nhất định (gọi là xóa bỏ/giảm thuế trong hạn ngạch). Với khối lượng nhập khẩu vượt quá lượng hạn ngạch trong biểu cam kết, mức thuế nhập khẩu áp dụng sẽ cao hơn, hoặc không được hưởng ưu đãi.

Cam kết thuế nhập khẩu của các nước CPTPP đối với Việt Nam

Các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước. Gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các nước CPTPP khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình. Một số cam kết thuế nhập khẩu của các đối tác CPTPP như sau:

  • Ca-na-đa cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế và 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ca-na-đa ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Trong đó, 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
  • Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 86% số dòng thuế (tương đương 93.6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản), và gần 90% số dòng thuế sau 5 năm. Trong hiệp định CPTPP, Nhật Bản lần đầu tiên cam kết xoát bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
  • Pê-ru cam kết xóa bỏ 80,7% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 62,1% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% số dòng thuế vào năm thứ 17 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
  • Mê-hi-cô cam kết xóa bỏ 77,2% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
  • Chi-lê cam kết xóa bỏ 95,1% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 60,2% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,9% số dòng thuế vào năm thứ 8 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
  • Ốt-xtrây-li-a cam kết cắt giảm 93% số dòng thuế, tương đương 95,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (khoảng 2,9 tỷ USD) ngay khi thực hiện Hiệp định. Các sản phẩm còn lại sẽ được xóa bỏ thuế với lộ trình cắt giảm cuối cùng tối đa vào năm thứ 4.
  • Niu-di-lân cam kết xóa bỏ 94,6% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 69% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (khoảng 101 triệu USD). Vào năm thứ 7 kể từ khi thực hiện Hiệp định, các dòng thuế còn lại sẽ dần được xóa bỏ hoàn toàn.
  • Xinh-ga-po cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với tất cả các mặt hàng ngay khi thực hiện Hiệp định.
  • Ma-lai-xi-a cam kết xóa bỏ 84,7% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ dần có lộ trình đối với các dòng thuế còn lại. Vào năm thứ 11, số dòng thuế cam kết cắt giảm của Ma-lai-xi-a lên tới 99,9%.
  • Bru-nây cam kết xóa bỏ 92% số dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam (tương đương 7.639 dòng) ngay khi Hiệp định có hiệu lực, xóa bỏ tới 99,9% vào năm thứ 7 và xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu vào năm thứ 11.

Hiệp định CPTPP quy định 3 phương pháp để xác định xuất xứ của một hàng hóa, bao gồm:

  1. hàng hóa có xuất xứ thuần túy;
  2. hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu trong khu vực CPTPP;
  3. quy tắc cụ thể đối với từng mặt hàng (PSR).

Bên cạnh đó, quy tắc cộng gộp cho phép các nước CPTPP được coi nguyên liệu của một hoặc nhiều nước CPTPP khác như là nguyên liệu của nước mình khi sử dụng nguyên liệu đó để sản xuất ra một hàng hóa có xuất xứ CPTPP.

Thủ tục chứng nhận xuất xứ

Với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại tối đa, giảm thời gian giao dịch và chi phí xuất nhập khẩu, Hiệp định CPTPP đã cho phép người xuất khẩu, người sản xuất và người nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ. Đây là điểm rất mới so với các FTA truyền thống trước đây mà Việt Nam đã ký kết.

Đối với Việt Nam, do hình thức tự chứng nhận xuất xứ còn khá mới mẻ, chưa được triển khai toàn diện và đại trà nên ta được áp dụng một số thời gian chuyển đổi nhằm mục đích tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước quen dần với hình thức này. Một số quy định về thời gian chuyển đổi bao gồm:

  • Đối với hàng nhập khẩu: Việt Nam được bảo lưu chỉ áp dụng hình thức nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
  • Đối với hàng xuất khẩu: ta được linh hoạt áp dụng song song 2 hình thức: (a) cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) theo kiểu truyền thống; và (b) người xuất khẩu đủ điều kiện được tự chứng nhận xuất xứ trong thời gian tối đa 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Sau thời gian 10 năm này, Việt Nam sẽ áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hoàn toàn như tất cả các nước CPTPP.

Hiệp định CPTPP có chương riêng về dệt may. Ngoài việc áp dụng quy định chung như các hàng hóa khác, hàng dệt may có những quy định riêng mang tính đặc thù.

Đối với hàng dệt may, quy tắc xuất xứ được áp dụng là “từ sợi trở đi” hay được gọi quy tắc “3 công đoạn”, nghĩa là toàn bộ quá trình kéo sợi, dệt vải, nhuộm, hoàn tất và may quần áo phải được thực hiện trong nội khối CPTPP. Quy tắc này khuyến khích phát triển chuỗi cung ứng ngành công nghiệp dệt may theo ngành dọc, khuyến khích đầu tư phát triển ngành sợi, vải, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng trong nội khối CPTPP.

So với các FTA trước đây mà Việt Nam đã ký kết, đây là quy tắc đưa ra yêu cầu ở mức cao. Tuy nhiên, các thành viên cũng thống nhất một số trường hợp có quy tắc xuất xứ mang tính linh hoạt hơn như:

- 3 nhóm hàng may mặc được áp dụng quy tắc xuất xứ 1 công đoạn, cắt và may, gồm vali, túi xách, áo ngực phụ nữ, quần áo trẻ em bằng sợi tổng hợp;

- Danh mục nguồn cung thiếu hụt gồm 194 loại sợi, vải được phép sử dụng từ ngoài khu vực CPTPP, trong đó 186 mặt hàng sẽ được áp dụng vĩnh viễn và 8 mặt hàng chỉ được áp dụng cơ chế này trong vòng 5 năm.

Những nội dung chính về lao động trong Hiệp định CPTPP

  • Về những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động thì về cơ bản, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết của Hiệp định. Việt Nam đã và đang triển khai một số chương trình hành động quốc gia để thực thi các tiêu chuẩn trên trong thực tiễn. Đối với cam kết về đảm bảo điều kiện lao động liên quan tới lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn lao động, hệ thống luật pháp của Việt Nam về cơ bản đã quy định đầy đủ về những nội dung này nên không có yêu cầu về việc sửa đổi, bổ sung.
  • Về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động, theo Hiệp định CPTPP và cũng phù hợp với quy định của ILO, Việt Nam và tất cả các nước tham gia Hiệp định CPTPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp.
  • Hiệp định CPTPP cũng như quy định của ILO đều khẳng định tất cả các tổ chức của người lao động phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại và theo các tiêu chuẩn của ILO.
  • Hiệp định CPTPP cũng có các quy định bảo vệ tổ chức của người lao động để không bị người sử dụng lao động can thiệp và phân biệt đối xử nhằm vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu khả năng đại diện, bảo vệ cho quyền và lợi ích của người lao động. Điều này cũng phù hợp với quy định của ILO.

Hiệp định CPTPP quy định 4 nghĩa vụ chủ chốt là:

  • Đối xử quốc gia (NT): Nước thành viên phải đảm bảo các nhà cung cấp dịch vụ của nước CPTPP khác được đối xử không kém thuận lợi hơn các nhà cung cấp dịch vụ trong nước.
  • Đối xử tối huệ quốc (MFN): Nước thành viên phải đảm bảo các nhà cung cấp dịch vụ của một nước CPTPP được đối xử không kém thuận lợi hơn các các nhà cung cấp dịch vụ của các nước thành viên khác hoặc của bất cứ nước hay vùng lãnh thổ không phải là thành viên của hiệp định.
  • Tiếp cận thị trường (MA): Nước thành viên không được phép duy trì các biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường đối với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Các biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường được phân chia thành 5 loại như sau: (i) Hạn chế về số lượng nhà cung cấp dịch vụ; (ii) Hạn chế về tổng giá trị các giao dịch hoặc tài sản; (iii) Hạn chế về tổng số hoạt động dịch vụ hoặc số lượng dịch vụ cung cấp; (iv) Hạn chế về số lượng lao động; và (v) Hạn chế về hình thức thành lập doanh nghiệp.
  • Hiện diện tại nước sở tại (LP): Nước thành viên không được yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ của nước CPTPP phải thiết lập hoặc duy trì văn phòng đại diện hay bất cứ hình thức công ty nào hay yêu cầu họ phải đáp ứng yêu cầu về thường trú như là điều kiện để được cung cấp dịch vụ.

Các nghĩa vụ chính về Đầu tư

Ngoài nghĩa vụ đối xử quốc gia (NT) và đối xử tối huệ quốc (MFN) như trong lĩnh vực TMDV, chương Đầu tư của Hiệp định CPTPP có một số nghĩa vụ chính như sau:

  • Tiêu chuẩn đối xử tối thiểu: Các nước cam kết dành cho các nhà đầu tư nước ngoài sự đối xử công bằng và thỏa đáng khi tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự, dân sự hoặc hành chính. Ngoài ra, các nước CPTPP cần phải bảo đảm an toàn cho các khoản đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với pháp luật quốc tế.
  • Tước quyền sở hữu: Khi thấy thực sự cần thiết, ví dụ vì mục đích công cộng, chính phủ các nước có thể tước quyền sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc này phải được thực hiện trên cơ sở không phân biệt đối xử và có sự đền bù thỏa đáng cho các nhà đầu tư nước ngoài, phù hợp với quy định của pháp luật và nghĩa vụ của Hiệp định CPTPP.
  • Chuyển tiền: Các nhà đầu tư nước ngoài được phép tự do chuyển tiền đầu tư hoặc lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chính phủ các nước CPTPP có thể hạn chế hoạt động này của nhà đầu tư nước ngoài, ví dụ như vì mục đích kiểm soát vốn trong bối cảnh khủng hoảng cán cân thanh toán hoặc khủng hoảng kinh tế.
  • Không áp đặt các “yêu cầu thực hiện” (PR): Các nước không được duy trì các yêu cầu buộc nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện để được cấp phép đầu tư hay được hưởng các ưu đãi đầu tư.
  • Không áp đặt các yêu cầu về bổ nhiệm nhân sự (SMBD): Các nước không được yêu cầu công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải bổ nhiệm các nhân sự cấp cao thuộc một quốc tịch nào đó.

Hiệp định CPTPP đưa ra các quy tắc, quy trình trong quá trình lựa chọn nhà thầu, tuy nhiên, ở mức độ yêu cầu cao hơn về tính công bằng, công khai, minh bạch. Các nội dung chính của chương MSCP bao gồm: Không phân biệt đối xử; Không sử dụng các biện pháp ưu đãi hàng hóa hoặc nhà thầu trong nước; và Biểu cam kết mở cửa thị trường MSCP quyết định phạm vi mở cửa của từng nước.

Theo đó, Việt Nam cam kết thực hiện mở cửa và thực hiện theo các đối tượng như sau:

  1. Chủ đầu tư, hay chính là bên mời thầu, bao gồm các đơn vị được liệt kê trong bản chào là 21 cơ quan cấp Trung ương, không cam kết với các cơ quan thuộc Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án tối cao, Viện Kiểm sát tối cao. Đối với các Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng, Việt Nam chỉ cam kết mở cửa các gói mua sắm một số loại hàng hóa, dịch vụ nhất định.Việt Nam cũng cam kết mở cửa đấu thầu của 38 đơn vị sự nghiệp, bao gồm các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên, Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam.
  2. Ngưỡng mở cửa của gói thầu được quy định riêng cho từng loại chủ đầu tư, bao gồm ngưỡng cho gói thầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ nói chung, và ngưỡng cho mua sắm dịch vụ xây dựng. Ví dụ đối với các cơ quan trung ương, sau 15 năm chuyển đổi thì ngưỡng mở cửa là 8.5 triệu SDR đối với gói xây lắp, sau 25 năm thì ngưỡng đối với gói hàng hóa, dịch vụ là 130.000 SDR.

Riêng đối với 34 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, ngưỡng mở cửa gói thầu hàng hoá được áp dụng đối với gói thầu mua thuốc cho từng bệnh viện mà có thời gian thực hiện hợp đồng từ một năm trở lên, hoặc gói thầu mua thuốc tập trung do Bộ Y tế thay mặt các bệnh viện tổ chức lựa chọn nhà thầu. Trường hợp gói thầu mua thuốc của bệnh viện có thời gian thực hiện hợp đồng dưới một năm, ngưỡng mở cửa đối với gói thầu này là 500.000 SDR. Trường hợp gói thầu chỉ bao gồm một loại thuốc duy nhất, ngưỡng mở cửa là 180.000 SDR.

  1. Đối với hàng hóa, dịch vụ, lĩnh vực xây dựng cần mua thuộc phạm vi mở cửa, Việt Nam chỉ bảo lưu những nội dung cần thiết, ví dụ bảo lưu việc mua xăng dầu, một phần thị trường thuốc, lúa gạo, sách báo v.v… Phần dịch vụ chỉ liệt kê các loại dịch vụ mở cửa cho nhà thầu của các nước CPTPP tham gia đấu thầu. Việt Nam cũng cam kết mở cửa đấu thầu các gói thầu dược phẩm, tuy nhiên, lộ trình mở cửa khá dài, 15 năm sau khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam mới mở cửa đến 50% tổng giá trị hợp đồng đối với các gói thầu thuộc diện diều chỉnh. Các loại thuốc mà Việt Nam phải ưu tiên cho phép đấu thầu theo thứ tự: Thuốc generic thuộc Nhóm 1, thuốc generic thuộc Nhóm 2, thuốc generic thuộc Nhóm 3, thuốc generic thuộc Nhóm 4, thuốc generic thuộc Nhóm 5, cho tới khi mua đủ thuốc theo tỷ lệ phần trăm mở cửa cho năm đó.
  2. Các thành viên cũng có thể áp dụng các loại trừ, ngoại lệ và các biện pháp trong thời kỳ chuyển đổi. Ví dụ như Việt Nam được loại trừ các gói thầu xây dựng nghĩa trang liệt sỹ, loại trừ mua xăng dầu ở Phần Hàng hóa, dịch vụ, loại trừ việc mua sắm ở trong nước để tiêu dùng ngoài lãnh thổ, loại trừ các gói thầu mua sắm dự trữ quốc gia, mua sắm nhằm phục vụ mục đích tăng cường sức khỏe, phúc lợi, sự phát triển kinh tế, xã hội của dân tộc thiểu số, gói thầu dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các gói thầu vì lý do an ninh, quốc phòng.

Hiệp định CPTPP cho phép các nước đang phát triển được phép áp dụng một số biện pháp trong thời kỳ chuyển đổi. Ví dụ như trong vòng 05 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ không chịu sự điều chỉnh của cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan tới các nghĩa vụ của mình theo Chương MSCP. Trong thời gian này, Việt Nam chỉ tham vấn với nước CPTPP có ý kiến quan ngại về việc thực thi nghĩa vụ của Việt Nam.

  1. Việt Nam được phép yêu cầu, xem xét, áp dụng hoặc thực hiện bất kỳ hình thức ưu đãi trong nước trong bất kỳ giai đoạn nào của quy trình lựa chọn nhà thầu trong 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, kể cả cơ chế ưu đãi về giá, ở mức tối đa 40% tổng giá hợp đồng các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của từng năm; tỷ lệ này giảm xuống mức tối đa 30% kể từ năm thứ 11 cho đến hết năm thứ 25. Biện pháp ưu đãi nội địa sẽ được loại bỏ từ năm thứ 26 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam.