Underline menu menu close

HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO GIỮA VIỆT NAM VÀ LIÊN MINH KINH TẾ Á ÂU (VN-EAEUFTA)

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (bao gồm: Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) đã được hai Bên khởi động từ tháng 3 năm 2013. Qua 2 năm đàm phán với 8 phiên chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ, ngày 29 tháng 5 năm 2015 Thủ tướng Chính phủ các nước đã chính thức ký Hiệp định này tại Burabay, Kazakhstan.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có văn bản thông báo việc hai bên đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn và FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu chính thức có hiệu lực từ ngày 5/10/2016

Sau khi có hiệu lực , hai bên sẽ thành lập Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban về Thương mại hàng hóa, Tiểu ban về quy tắc xuất xứ để phối hợp triển khai hiệu quả, đồng thời giám sát việc thực thi hiệp định.

Cam kết của EAEU

Cam kết mở cửa thị trường hàng hóa (qua loại bỏ thuế quan) của EAEU cho Việt Nam có thể chia thành các nhóm sau:

  • Nhóm loại bỏ thuế quan ngay sau khi hiệp định có hiệu lực (EIF): gồm 6.718 dòng thuế, chiếm khoảng 59% biểu thuế
  • Nhóm loại bỏ thuế quan theo lộ trình cắt giảm từng năm và sẽ loại bỏ thuế quan ở năm cuối của lộ trình (muộn nhất là đến 2025): gồm 2.876 dòng thuế, chiếm khoảng 25% biểu thuế
  • Nhóm giảm ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực 25% so với thuế hiện tại và sau đó giữ nguyên: bao gồm 131 dòng thuế, chiếm khoảng 1% biểu thuế
  • Nhóm không cam kết (N/U): bao gồm 1.453 dòng thuế, chiếm 13% biểu thuế (nhóm này được hiểu là EAEU không bị ràng buộc phải loại bỏ hay giảm thuế quan, nhưng có thể đơn phương loại bỏ/giảm thuế nếu muốn)
  • Nhóm áp dụng biện pháp Phòng vệ ngưỡng (Trigger): gồm 180 dòng thuế, chiếm khoảng 1,58% biểu thuế.
  • Nhóm Hạn ngạch thuế quan: chỉ bao gồm 2 sản phẩm là gạo và lá thuốc lá chưa chế biến

Cam kết của Việt Nam

Cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của Việt Nam cho EAEU chia làm 4 nhóm:

  • Nhóm loại bỏ thuế quan ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực (EIF): chiếm khoảng 53% biểu thuế
  • Nhóm loại bỏ thuế quan theo lộ trình cắt giảm từng năm và sẽ loại bỏ thuế quan ở năm cuối của lộ trình (muộn nhất là đến 2026): chiếm khoảng 35% tổng số dòng thuế, cụ thể:
    • Nhóm đến năm 2018 loại bỏ thuế quan hoàn toàn: 1,5% tổng số dòng thuế trong biểu thuế (chế phẩm từ thịt, cá, và rau củ quả, phụ tùng máy nông nghiệp, máy biến thế, ngọc trai, đá quý…)
    • Nhóm đến năm 2020 loại bỏ thuế quan hoàn toàn: 22,1% tổng số dòng thuế trong biểu thuế (giấy, thủy sản, đồ nội thất, máy móc thiết bị điện, rau quả, sản phẩm sắt thép,…)
    • Nhóm đến năm 2022 loại bỏ thuế quan hoàn toàn: 1% tổng số dòng thuế trong biểu thuế (bộ phận phụ tùng ô tô, một số loại động cơ ô tô, xe máy, sắt thép,…)
    • Nhóm đến năm 2026 loại bỏ thuế quan hoàn toàn: 10% tổng số dòng thuế trong biểu thuế (rượu bia, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, ô tô nguyên chiếc (xe tải, xe buýt, ô tô con, ô tô trên 10 chỗ…)
  • Nhóm không cam kết (U): Chiếm khoảng 11% tổng số dòng thuế trong biểu thu
  • Nhóm cam kết khác (Q): các sản phẩm áp dụng Hạn ngạch thuế quan.

Để được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này, hàng hóa phải đáp ứng được các quy tắc xuất xứ của Hiệp định.

Cụ thể, hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ tại một Bên (Việt Nam hoặc EAEU) nếu:

  • Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một Bên, hoặc,
  • Được sản xuất toàn bộ tại một hay hai bên, từ những nguyên vật liệu có xuất xứ từ một hay hai Bên, hoặc:
  • Được sản xuất tại một Bên, sử dụng nguyên vật liệu không có xuất xứ nội khối nhưng đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ cụ thể từng mặt hàng được quy định trong Phụ lục 3b – Biểu Quy tắc xuất xứ cụ thể từng mặt hàng của Hiệp định.

Nói chung, Quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng trong FTA Việt Nam – EAEU khá đơn giản, thông thường hàng hóa chỉ cần có hàm lượng giá trị gia tăng – VAC ≥ 40% (một số có yêu cầu VAC ≥ 50-60%) hoặc có sự chuyển đổi mã HS ở cấp độ 2, 4, 6 số là được hưởng ưu đãi thuế quan.

* Chú ý, VAC được tính theo công thức: (Trị giá FOB – Trị giá nguyên vật liệu không có xuất xứ)/ Trị giá FOB x 100%.

Ngoài ra, Hiệp định có quy định về Tỷ lệ không đáng kể (De Minimis) cho phép hàng hóa không đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi mã HS vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan nếu có hàm lượng nguyên liệu không có xuất xứ không vượt quá 10% giá FOB của hàng hóa

Chứng nhận xuất xứ

Về thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi (C/O), trong khi một số FTA thế hệ mới như CPTPP, FTA Việt Nam – EU hướng tới việc áp dụng cơ chế doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ, thì FTA Việt Nam – EAEU vẫn áp dụng quy trình cấp chứng nhận xuất xứ thông qua một cơ quan có thẩm quyền do nhà nước quy định như trong các FTA ký trước đây mà Việt Nam đang thực hiện. Mẫu C/O được đính kèm theo văn bản Hiệp định.

Theo Hiệp định này, Việt Nam và EAEU đã cam kết sẽ nỗ lực để áp dụng Hệ thống xác minh và chứng nhận xuất xứ điện tử (EOCVS) trong vòng tối đa 2 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu mạng ghi lại thông tin của tất cả Giấy chứng nhận xuất xứ được cấp bởi cơ quan được ủy quyền, và cơ quan hải quan nước nhập khẩu có thể truy cập và kiểm tra tính hiệu lực và nội dung của bất kỳ Giấy chứng nhận xuất xứ đã được cấp nào.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu

Nghị định thư giữa Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ LB Nga về cam kết dịch vụ, hiện diện thương mại và di chuyển thể nhân (tiếng Anh)

Nghị định thư giữa Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ LB Nga về sự khác biệt giữa cam kết trong Hiệp định và cam kết với WTO (tiếng Anh)

Trong FTA giữa Việt Nam và khối EAEU, Chương về Dịch vụ, Đầu tư và Di chuyển thể nhân chỉ áp dụng giữa Việt Nam và Nga mà không áp dụng với các nước khác trong khối EAEU.

Trong đó, các cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ đối với các Phương thức 1 (Cung cấp qua biên giới), Phương thức 2 (Tiêu dùng ở nước ngoài) và Phương thức 4 (Di chuyển thể nhân) được thực hiện theo phương pháp “Chọn – Cho” giống WTO.

Riêng Phương thức 3 (Hiện diện thể nhân) được thực hiện theo phương pháp “Chọn – Bỏ” giống một số FTA mới của Việt Nam như CPTPP. Khác với phương pháp “Chọn – Cho”, phương pháp “Chọn – Bỏ” mỗi nước thành viên sẽ mở cửa theo cách liệt kê ra một Danh mục các lĩnh vực dịch vụ được nêu cụ thể mà nước thành viên chưa muốn mở, hoặc mở cho đối tác ở mức nhất định, và nước này chỉ phải mở tối thiểu như mức đã cam kết. Đối với các lĩnh vực nằm ngoài Danh mục này, nước đó sẽ buộc phải mở toàn bộ, không có bất kỳ hạn chế gì cho đối tác.

Mức độ mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam trong VN – EAEU FTA không cao hơn nhiều so với WTO.

Các nội dung cam kết khác của Hiệp định về Sở hữu trí tuệ, Cạnh tranh, Phát triển bền vững... chủ yếu mang tính hợp tác và không vượt quá những cam kết của Việt Nam trong WTO và tại các FTA đã ký hoặc đang đàm phán.