Tổng số bài đăng 260.
Trong Tài liệu nghiên cứu chính sách "Thuế tối thiểu toàn cầu: Tác động đến chính sách xúc tiến và thu hút đầu tư tại các nước ASEAN", hai tác giả Sufian Jusoh (Đại học Kebangsaan Malaysia) và Intan Murnira Ramli (Viện Nghiên cứu Kinh tế Đông Á - ERIA) đã giới thiệu về thuế tối thiểu toàn cầu (GMT), đánh giá tác động của GMT đối với việc thu hút và xúc tiến đầu tư ở các nước ASEAN và các chính sách của các nước ASEAN để áp dụng GMT.
Thuế tối thiểu toàn cầu là gì?
Thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) còn được gọi là trụ cột hai trong quy tắc chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (GLoBE), được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và nhóm G20 đưa ra vào tháng 1 năm 2020. Mục đích chính của GLoBE là giải quyết việc xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận của các doanh nghiệp đa quốc gia (MNEs). Đến ngày 28 tháng 5 năm 2024, 147 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đồng ý với Khuôn khổ bao trùm về xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận, bao gồm bảy quốc gia ASEAN (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam).
Khuôn khổ bao trùm được triển khai bởi Công ước đa phương để thực hiện các biện pháp liên quan đến hiệp định thuế về ngăn chặn xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS MLI). OECD và G20 đã hoàn thiện Công ước đa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện trụ cột hai theo Quy tắc thuế (STTR MLI) vào tháng 9 năm 2023. Đến ngày 24 tháng 6 năm 2024, 103 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký và phê chuẩn MLI, bao gồm 5 quốc gia ASEAN (Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam).
GMT áp đặt mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu là 15% đối với các doanh nghiệp đa quốc gia (MNE) với doanh thu từ 750 triệu EUR trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất.
Việc áp dụng GMT mang lại cả cơ hội và thách thức cho môi trường đầu tư tại các quốc gia ASEAN. Thứ nhất, chính sách này hướng đến tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn bằng cách không khuyến khích MNE chuyển lợi nhuận sang các quốc gia đánh thuế thấp, do đó đảm bảo rằng các quốc gia có mức thuế cao hơn không bị bất lợi, kiến tạo môi trường thuế ổn định và bền vững hơn. Thứ hai, việc áp dụng GMT có thể khiến một số khu vực pháp lý trở nên kém hấp dẫn hơn cho đầu tư, đặc biệt là các khu vực có mức thuế thấp hơn. Thứ ba, GMT có thể tạo ra một sự thay đổi đáng kể trong bối cảnh đầu tư, MNE đánh giá lại các cấu trúc hoạt động của họ để tuân thủ quy định thuế mới. Điều này có thể dẫn đến sự phân bổ lại đầu tư từ các quốc gia thuế thấp và hướng tới các quốc gia có môi trường thuế thuận lợi hơn. Thứ tư, GMT có thể dẫn đến việc giảm doanh thu thuế cho các quốc gia có lịch sử dựa vào các ưu đãi thuế để thu hút đầu tư, mà không có bất kỳ biện pháp thuế đối trọng nào như cơ chế thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn. Tuy nhiên, việc đánh giá tác động cần nghiên cứu sâu hơn, đặc biệt là sau khi một số quốc gia ASEAN thực hiện GMT.
Chính sách của một số nước ASEAN liên quan đến GMT
Một số quốc gia thành viên ASEAN, bao gồm Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, đã có những bước tiến để thực hiện GMT trong các hệ thống thuế trong nước:
• Malaysia đã đưa quy định về GMT vào Phần XI của Đạo luật Thuế Thu nhập 1967, thiết lập các quy tắc quy tắc chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và thuế bổ sung nội địa (DTT) có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2025.
• Việt Nam ban hành Nghị quyết số 39/2023/UBTVQH15, áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung phù hợp với các quy tắc chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2024.
• Singapore giới thiệu Dự luật doanh nghiệp đa quốc gia (thuế tối thiểu) 2024 tại Quốc hội vào ngày 9 tháng 9 năm 2024, để đưa ra một khoản thuế bổ sung trong nước; dự kiến phiên họp quốc hội tiếp theo sẽ thảo luận về Dự luật.
• Thái Lan đã công bố dự thảo luật các quy tắc chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu vào ngày 1 tháng 3 năm 2024.
(Nguồn: ERIA)