Tổng số bài đăng 316.
FDI của EU vào Việt Nam sau 2 năm sụt giảm đã tăng trở lại vào năm 2021, song để nâng cao chất lượng dòng vốn này, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư.
Việt Nam chiến 2-5% FDI châu Âu đầu tư ra thế giới
Sáng 25/10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Toạ đàm “FDI của EU vào Việt Nam trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA”. Thông tin đưa ra tại sự kiện cho rằng, mặc dù là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, nhưng những năm qua, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU vào Việt Nam vẫn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên.
Cụ thể, theo số liệu tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, tính đến tháng 8/2022, Việt Nam thu hút được 35.539 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực từ khoảng 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với tổng vốn đăng ký 430 tỷ USD.
Tuy nhiên, trình bày báo cáo FDI của EU vào Việt Nam trong bối cảnh thực thi Hiệp định EVFTA và EVIPA tại Toạ đàm, TS Nguyễn Thị Thanh Mai – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Tính đến tháng 8/2022, hiện có 25 quốc gia thuộc EU27 tham gia đầu tư vào Việt Nam, với tổng số dự án là 2.378 dự án với tổng giá trị vốn đăng ký là 27,59 tỷ USD.
Điều đó có nghĩa, xét về vốn, FDI của EU vào Việt Nam chỉ chiếm khoảng chưa tới 6,41% tổng số vốn Việt Nam thu hút được. Còn xét về mặt dự án, chỉ chiếm khoảng 6,69%. Đây là một tỷ lệ rất nhỏ so với tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và EU. Đặc biệt, tính toán theo số liệu thống kê của Eurostat và Tổng cục Thống kê, tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam chỉ dao động từ 2-5% so với tổng số vốn FDI mà EU phân bổ trên thế giới.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sau khi sụt giảm vào năm 2020 do sự kiện Vương Quốc Anh chính thức rút khỏi EU cũng như những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Đến năm 2021, số lượng các dự án FDI của EU vào Việt Nam lại trên đà tăng trở lại và đạt gần mức đỉnh cũ của năm 2019.
Các dự án FDI của EU vào Việt Nam tập trung chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Các doanh nghiệp EU đã đầu tư vào 18/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân vào Việt Nam. Trong đó, 3 lĩnh vực được quan tâm đầu tư nhiều chính là: Công nghiệp chế biến chế tạo; sản xuất phân phối điện và kinh doanh bất động sản. Gần đây, các doanh nghiệp EU có xu hướng quan tâm tới các ngành dịch vụ như logistics, bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê, bán lẻ, năng lượng sạch, công nghiệp phụ trợ, chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao…
Tuy nhiên, chia sẻ tại Toạ đàm, ông Nguyễn Chiến Thắng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu cho rằng: Quy mô các dự án của EU đầu tư vẫn còn nhỏ. Chất lượng các dự án FDI của EU vào Việt Nam vẫn còn thấp.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Toàn Thắng - Trưởng Ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp - Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, dòng vốn FDI vào Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng về mối quan hệ giữa Việt Nam và EU.
Lý giải về nguyên nhân FDI từ châu Âu vào Việt Nam không lớn, bà Hoàng Thị Hồng Vân - Trưởng phòng Đối ngoại - Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam cho rằng: Chi phí logistics quá cao cũng là một trong những trở ngại chính khiến dòng vốn FDI của châu Âu vào Việt Nam chưa được như kỳ vọng. Bên cạnh đó, vấn đề lao động, hạ tầng cũng còn nhiều vấn đề cần được cải thiện.
Nâng “chất” FDI EU vào Việt Nam
Thông tin tại Toạ đàm cũng chỉ ra rằng, bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là bối cảnh Việt Nam và EU thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức trong thu hút FDI từ EU.
Trong đó, về cơ hội là một FTA thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng, EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy làn sóng FTA tiếp theo vào Việt Nam và cũng giúp nâng cao chất lượng các dự án FDI. Điều này phù hợp với định hướng của Viêt Nam trong Nghị quyết 50-NQ/TW của Chính phủ về thu hút FDI chất lượng cao.
Trong khi đó, Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) được ký kết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai bên, nhất là về kinh tế - thương mại, mở ra cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng thu hút FDI từ các quốc gia EU.
Việc thực thi EVFTA và EVIPA có ý nghĩa quan trọng đối với dòng FDI của EU vào Việt Nam, bởi EU hiện đang là đối tác kinh tế lớn và tiềm năng của Việt Nam. EVFTA là FTA thế hệ mới với các cam kết vượt ra ngoài việc xoá bỏ thuế quan, EVFTA được kỳ vọng mang đến cơ hội cho Việt Nam trong việc thu hút FDI chất lượng cao thông qua cải cách thể chế, chính sách và môi trường đầu tư.
Tuy nhiên, việc thực thi EVFTA và EVIPA cũng mang lại cho Việt Nam nhiều thách thức trong việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp EU, nhất là trong bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế EU có nhiều biến động như hiện nay.
Đặc biệt, theo nhóm nghiên cứu, những lợi thế mà EVFTA mang lại chỉ là ngắn hạn, nhất là khi các đối thủ chính trong ASEAN đang cạnh tranh với Việt Nam trong thu hút FDI từ EU như Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Phillipines cũng đang tích cực đàm phán FTA với EU; trong khi EU hướng tới một FTA chung với cả khu vực ASEAN. Ngoài ra, việc thực thi hiệp định này còn dẫn tới những áp lực và chi phí liên quan tới cải cách thế chế, chính sách, hay thậm chí làm giảm dòng FDI vào Việt Nam nhất là trong bối cảnh dòng FDI toàn cầu đang suy giảm và có tính chọn lọc hơn.
Từ nhận định trên, báo cáo “FDI của EU vào Việt Nam trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA” của nhóm nghiên cứu Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất tổ hợp giải pháp tăng cường hiệu quả thu hút nguồn vốn này trong thời gian tới, bao gồm có: Thứ nhất, tăng cường công tác nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến về EVFTA và EVIPA; Thứ hai, cải cách thể chế; Thứ ba, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh; Thứ tư, hoàn thiện hơn các loại hình dịch vụ tư vấn và tạo thuận lợi đầu tư; Thứ năm, tập trung đào tạo nguồn nhân lực; Thứ sáu, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng.
Nguồn: Báo Công Thương