Tổng số bài đăng 288.
Từ ngày 20 đến 24 tháng 5 năm 2024, Hội nghị Quan chức Kinh tế Cao cấp ASEAN lần thứ hai năm 2024 (SEOM 2/55) và các hội nghị liên quan đã diễn ra tại Băng Cốc, Thái Lan với sự tham dự của các quan chức kinh tế cao cấp đến từ 10 nước ASEAN, một số nước đối tác của ASEAN và Phó Tổng Thư ký ASEAN. Đoàn Việt Nam do bà Nguyễn Việt Chi, Trưởng SEOM Việt Nam, dẫn đầu.
Hội nghị SEOM là hội nghị thường niên nhằm triển khai, theo dõi và rà soát các hoạt động trong trụ cột kinh tế của ASEAN. Hội nghị SEOM 2/55 đã thảo luận việc triển khai các sáng kiến ưu tiên kinh tế của Lào trong năm Chủ tịch ASEAN 2024, tình hình thực hiện các ưu tiên thường niên năm 2024 và chỉ đạo của các Bộ trưởng tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp và xây dựng Kế hoạch chiến lược Cộng đồng Kinh tế ASEAN giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn 2045.
Hội nghị cập nhật tiến độ đàm phán Hiệp đinh khung ASEAN về Kinh tế số, triển khai Khuôn khổ trao đổi các sáng kiến về dự án công nghiệp trong ASEAN, triển khai Nghị định thư về nâng cao cơ chế giải quyết tranh chấp ASEAN, và tình hình gia nhập ASEAN của Ti-mo Lét-xtê. Hội nghị ghi nhận hợp tác kinh tế tiềm năng giữa ASEAN với Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và Thụy Sỹ cũng như rà soát hoạt động hợp tác với một số đối tác của ASEAN là Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ca-na-da và Hồng Công (Trung Quốc).
Tại Hội nghị, đại diện Việt Nam đã trao đổi, đưa ra một số đề xuất đóng góp tích cực, qua đó thúc đẩy việc kết thúc thảo luận dự thảo Tuyên bố hợp tác giữa ASEAN và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) và thúc đẩy việc xử lý một số vấn đề vướng mắc trong hợp tác kinh tế nội khối ASEAN.
Trong năm Chủ tịch ASEAN 2024 với chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy Kết nối và Tự cường”, Lào đã đưa ra 14 sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế, tập trung vào ba định hướng chính: Hồi phục và kết nối các nền kinh tế; Kiến tạo tương lai bao trùm và bền vững; Chuyển đổi hướng đến tương lai số.
14 sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế của Lào bao gồm:
1. Tuyên bố ASEAN về tăng cường kết nối chuỗi cung ứng;
2. Rà soát Hiệp định khung ASEAN về hợp tác sở hữu trí tuệ;
3. Nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA);
4. Nghị định thư thứ 2 về Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Ốt-xtrây-li-a – Niu Di-lân(AANZFTA);
5. Chiến lược sửa đổi nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện trong khu vực ASEAN;
6. Chiến lược/Hướng dẫn Giảm thiểu đốt cây trồng nhằm hỗ trợ thực hiện Chiến lược Trung hòa Các-bon của ASEAN;
7. Kế hoạch Hành động ASEAN về Nông nghiệp Bền vững;
8. Thỏa thuận kế thừa về Lưới điện ASEAN và thương mại điện năng đa phương trong khu vực;
9. Tiêu chuẩn du lịch sinh thái ASEAN về hoạt động, cơ sở vật chất và dịch vụ;
10. Giải quyết khoảng cách tài chính giữa các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ;
11. Nghiên cứu về Hệ thống Một cửa ASEAN thế hệ mới;
12. Lộ trình về Tiêu chuẩn Thương mại số trong ASEAN;
13. Nền tảng giáo dục trực tuyến ASEAN cho ngành công nghiệp 4.0;
14. Lộ trình xây dựng Mã số nhận dạng doanh nghiệp duy nhất trong ASEAN.