Tổng số bài đăng 287.
Trái với một số dự đoán trước đó, ứng cử viên Donald Trump một lần nữa gây bất ngờ lớn khi chiến thắng áp đảo, giành được trên 270 phiếu đại cử tri, trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024, bỏ xa đối thủ Kamala Harris. Giấc mơ của ông Trump trở lại Nhà Trắng lần 2 đã thành hiện thực sau khi bị dang dở trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, khi ông Biden giành chiến thắng vào phút chót trước sự ngỡ ngàng của ông Trump.
Chiến thắng của ông Trump và tác động đến thế giới
Dù vị thế “siêu cường” duy nhất trên thế giới của Mỹ không được như trước, nhưng kết quả bầu cử Mỹ vẫn có tác động lớn đến các vấn đề thế giới. Về chính sách đối ngoại, chính quyền Trump sắp tới được dự đoán có thể sẽ quay trở lại “Nước Mỹ trước tiên”, tương tự trong nhiệm kỳ đầu theo chủ nghĩa biệt lập, mặc dù có thể không cực đoan như trước nhưng vẫn theo xu hướng giảm bớt quan hệ với các đồng minh, đối tác, giảm đầu tư vào các liên minh, không gắn kết hoặc tính toán lợi ích giữa các ưu tiên an ninh và kinh tế.
Chiến thắng của ứng cử viên của đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới. Lãnh đạo các nước đã gửi lời chúc mừng ông Donald Trump. Tại châu Âu, lãnh đạo nhiều nước như Đức, Pháp, Italia, Anh, Hungary, Áo, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine đều gửi lời chúc mừng tới ông Trump. Tại Đông Nam Á, lãnh đạo nhiều nước như Việt Nam, Phi-líp-pin, Ma-lay-xi-a cũng đã gửi thư điện chúc mừng vị Tổng thống thứ 47 của Mỹ.
Khi liên tiếp đón nhận những lời chúc mừng từ các nhà lãnh đạo thế giới, ông Trump đã tuyên bố vào ngày 6/11 rằng ông đã được trao "quyền lực" để lãnh đạo đất nước. Nếu ông chỉ thực hiện một phần nhỏ trong số các cam kết của mình - từ áp thuế quan thương mại cao hơn đến bãi bỏ quy định cho phép khoan dầu nhiều hơn và đưa ra nhiều yêu cầu hơn đối với các đối tác NATO của Mỹ - thì áp lực đối với tài chính chính phủ, lạm phát, tăng trưởng kinh tế và lãi suất sẽ được cảm nhận ở mọi ngóc ngách của thế giới.
Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc đua trở lại Nhà Trắng nhiệm kỳ thứ hai được dự báo sẽ có tác động kinh tế đối với phần còn lại của thế giới một cách sâu sắc và khá cấp bách. Theo giới phân tích, trên cương vị chủ nhân mới của Nhà Trắng, ông Donald Trump sẽ tiến hành những điều chỉnh chính sách theo hướng phủ nhận di sản của chính quyền tiền nhiệm, tiếp tục những phần việc còn đang dang dở trong nhiệm kỳ đầu cách đây 4 năm. Đảng Cộng hòa của ông Trump cũng đã bảo đảm kiểm soát Thượng viện và đang đạt được những bước tiến tại Hạ viện, có khả năng giúp tổng thống dễ dàng hơn trong việc lập pháp các đề xuất của mình và thúc đẩy các cuộc bổ nhiệm quan trọng.
Những lo ngại về thương mại của ASEAN trước chính quyền mới
Trong suốt chiến dịch bầu cử Mỹ, phần lớn các quốc gia Đông Nam Á cảm thấy e ngại và đặc biệt chú ý đến cam kết áp dụng mức thuế từ 10% đến 20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia của ông Trump. Đây được coi là một thách thức lớn đối với một khu vực có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hàng hoá xuất khẩu sang Mỹ như các quốc gia ASEAN.
Nhiều chuyên gia đánh giá sự trở lại lần 2 này của Donald Trump sẽ không gây ra quá nhiều khó khăn cho các nước ASEAN so với các nước châu Âu hay Đông Bắc Á vì các nước ASEAN đã có kinh nghiệm trong việc phản ứng trước những chính sách được coi là “hà khắc” trong nhiệm kỳ trước của ông Trump và sẽ nhanh chóng thích ứng với thực tế mới để bảo vệ lợi ích của mình.
Tuy nhiên, một số nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam hay Xinh-ga-po sẽ phải đặc biệt chú ý vì Mỹ vẫn là một thị trường thương mại cực kỳ quan trọng. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, đã có những giai đoạn quan hệ giữa Việt Nam xấu đi khi Việt Nam nằm trong những nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Năm 2019, Trump đã gọi Việt Nam là "kẻ lạm dụng tồi tệ nhất" trong thương mại với Mỹ (hơn cả Trung Quốc) khi thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ vào thời điểm đó lên đến khoảng 51 tỷ euro (54 tỷ đô la Mỹ). Trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ đầu tiên, chính quyền Trump đã tiến hành các thủ tục chính thức để trừng phạt Việt Nam vì cáo buộc thao túng tiền tệ. Tuy nhiên sau đó, chính quyền Biden đã từ bỏ động thái này.
Không chỉ Việt Nam hay Xinh-ga-po, gần như tất cả các quốc gia Đông Nam Á khác cũng đều là những quốc gia xuất khẩu ròng sang Mỹ, trong đó ngoại trừ Lào, đều xem Mỹ là một trong ba thị trường xuất khẩu hàng đầu của mình, vì vậy nhìn chung nền thương mại tại khu vực này cũng sẽ gặp nhiều biến động nếu chính quyền Trump thực hiện cam kết áp dụng mức thuế từ 10% đến 20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia, ngoài mức thuế 60% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Công ty tư vấn Oxford Economics gần đây ước tính rằng các mức thuế do Trump đề xuất nếu thực sự đi vào áp dụng có thể khiến xuất khẩu từ các nước châu Á (không gồm Trung Quốc) giảm 3%. Một số nền kinh tế ở Đông Nam Á có thể sẽ chịu sự suy giảm mạnh hơn mức 3%.
Bên cạnh những thách thức liên quan đến mức thuế suất nhập khẩu chung, một số chuyên gia cho rằng các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Ma-lay-xi-a có thể hưởng lợi từ chính quyền mới nếu chính quyền Trump áp đặt mức thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc, làm kích thích làn sóng rút vốn của các công ty toàn cầu khỏi Trung Quốc. Điều này sẽ dẫn đến làn sóng di chuyển vốn khỏi Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á như đã được chứng kiến sau khi chính quyền Trump bắt đầu áp đặt thuế đối với hàng hóa Trung Quốc vào năm 2018.