Tổng số bài đăng 316.
Kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang thị trường các FTA vẫn chưa cao, do doanh nghiệp gặp thách thức trước các tiêu chuẩn, điều kiện quy tắc xuất xứ.
Tận dụng tối đa lợi ích từ các FTA
Đến nay, Việt Nam đang tham gia, ký kết 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 3 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, UKVFTA) với mức độ cam kết sâu rộng và toàn diện hơn những FTA truyền thống, đồng thời bao hàm cả những vấn đề “phi thương mại” như lao động, phát triển bền vững, môi trường…
Ngay từ khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Hà Nội hiện là một trong các địa phương chủ động đi đầu triển khai thực thi các FTA, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi, cam kết, thúc đẩy xuất nhập khẩu.
Với vai trò đầu mối về hội nhập quốc tế, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đơn vị đã chủ động tham mưu UBND Thành phố ban hành các Kế hoạch, chính sách thực thi các FTA thế hệ mới trên địa bàn Hà Nội. Thông qua các kế hoạch của UBND Thành phố, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đã cụ thể hóa, lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch của ngành, đơn vị mình.
Trong đó, Hà Nội đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, triển khai chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp. Tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại nước ngoài, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh cơ hội hợp tác, xuất khẩu.
Đặc biệt, TP. Hà Nội đã triển khai các biện pháp, cơ chế khuyến khích, định hướng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp và nhà đầu tư đến từ các thị trường FTA kết nối với doanh nghiệp nội địa để hình thành và phát triển chuỗi cung ứng.
Đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội thực hiện hàng loạt hình thức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu về các FTA cho doanh nghiệp từ hội nghị, hội thảo, tập huấn, phát hành cẩm nang doanh nghiệp về ngành hàng, thị trường, bản tin xuất nhập khẩu đến các hướng dẫn tra cứu biểu thuế quan ưu đãi thông qua Cổng thông tin FTA (FTAP) của Bộ Công Thương; hàng năm tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại thường niên trong và ngoài nước; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; thuê chuyên gia nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực…
Nhờ sự chủ động, tích cực, với việc triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi ích từ các FTA thế hệ mới, theo Sở Công Thương Hà Nội là đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng giá trị thương mại hai chiều giữa TP. Hà Nội và các nước trong các FTA.
Ngay trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội vào thị trường 3 FTA (CPTPP, EVFTA, UKVFTA) tăng 1,03% so với năm 2021; kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội từ thị trường 3 Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA tăng 4,6%.
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA
Ghi nhận của Sở Công Thương Hà Nội, hiệu quả tận dụng cơ hội từ các FTA như CPTPP và EVFTA, UKVFTA của các doanh nghiệp trên địa bàn đã được cải thiện, thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu vào thị trường các nước trong Hiệp định đều tăng. "Tuy nhiên, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang thị trường các FTA này còn chưa đạt kỳ vọng, đặc biệt tỷ trọng kim ngạch hưởng ưu đãi từ các FTA còn khiêm tốn"- Sở Công Thương Hà Nội nhận định.
Đến nay, theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, số lượng doanh nghiệp có giao dịch xuất nhập khẩu với các nước tham gia các Hiệp định này vẫn còn rất hạn chế đặc biệt là doanh nghiệp có lô hàng được hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định. Hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội vẫn tập trung vào thị trường truyền thống, hoạt động xuất nhập khẩu sang các thị trường mới là thành viên của các Hiệp định còn khiêm tốn.
Nêu nguyên nhân của việc tận dụng FTA chưa hiệu quả, theo Sở Công Thương Hà Nội, do xuất phát từ những khó khăn, tồn tại như: Công tác tuyên truyền, phổ biến về các FTA được thực hiện liên tục và dưới nhiều hình thức nhưng sự quan tâm của doanh nghiệp còn hạn chế.
Đáng chú ý, doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội là doanh nghiệp trong nước (chiếm tỷ trọng 55,3%) và có quy mô nhỏ, do đó năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn yếu, giá thành cao, chất lượng thấp so với tiêu chuẩn quốc tế.
Doanh nghiệp Hà Nội vẫn còn thiếu nhạy bén và năng động sáng tạo, chưa kết hợp sức mạnh của các doanh nghiệp trong cùng ngành nghề, cùng chuỗi sản xuất. Đặc biệt, đáp ứng các điều kiện về quy tắc xuất xứ tại các FTA thế hệ mới là một thách thức cho nhiều doanh nghiệp. Trong khi, việc tận dụng ưu đãi từ các FTA lại gắn liền với việc đáp ứng được các điều kiện về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.
Nhiều doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước để đáp ứng điều kiện, tận dụng được các FTA một cách hiệu quả, cũng như chưa chú trọng nâng cao trình độ quản trị, nguồn nhân lực, phát triển thương hiệu; việc tìm hiểu, nghiên cứu sâu về các cam kết trong FTA để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh dài hạn nhằm hướng đến tận dụng những ưu đãi thuế quan chưa được doanh nghiệp chú trọng...
Trước các hạn chế trong tận dụng FTA của doanh nghiệp, thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đơn vị này sẽ tiếp tục tập trung thực hiện những chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các FTA thế hệ mới để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, trong đó tập trung vào các giải pháp:
Thứ nhất, tập trung tuyên truyền, thông tin về mặt hàng và thị trường cũng như những ưu đãi thuế quan theo các FTA để doanh nghiệp biết được cơ hội đang ở đâu, ở thị trường nào và nhóm hàng nào, doanh nghiệp cần đáp ứng những điều kiện gì về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan...; theo dõi sát tình hình của doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để chủ động tháo gỡ, hỗ trợ theo thẩm quyền.
Thứ hai, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nhất là thị trường các FTA để hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh cơ hội hợp tác, xuất khẩu; chú trọng phát triển các ngành phụ trợ để tránh phụ thuộc quá lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu, có chính sách thu hút đầu tư vào các ngành này.
Thứ ba, phát triển hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại phục vụ sản xuất và xuất khẩu đưa Hà Nội trở thành đầu mối logistics quan trọng của vùng, cả nước và khu vực; phát triển thương mại điện tử, thực hiện kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nội địa tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong nước như (Lazada, Shopee, Tiki), đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới thông qua thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng kiến nghị, Bộ Công Thương và các bộ, ngành Trung ương tăng cường công tác thông tin dự báo tình hình thị trường trong nước và thế giới, chính sách, quy định mới của các thị trường để giúp doanh nghiệp có phản ứng kịp thời; tiếp tục hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương trong quá trình triển khai các FTA; tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu cho cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế tại các địa phương để qua đó nâng cao hiệu quả của việc thực thi các FTA tại địa phương. Đề xuất, bố trí nguồn kinh phí chủ động dành riêng cho công tác hội nhập quốc tế, thực thi các FTA và hướng dẫn các địa phương tiếp cần nguồn kinh phí này.