Tổng số bài đăng 286.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới hàng năm được công bố tại Washington mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam nằm trong số các nền kinh tế hoạt động tốt nhất ở Đông Á và Thái Bình Dương trong năm nay cùng với Philippines và Campuchia.
Theo đó, nền kinh tế Philippines được dự báo sẽ tăng trưởng 6,0% – tốc độ nhanh nhất trong số 15 thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Campuchia xếp thứ hai cùng với Việt Nam, với cả hai nền kinh tế dự kiến tăng trưởng 5,8%.
Các dự đoán khác là 5,2% cho Trung Quốc, 5,0% cho Indonesia, 4,5% cho Malaysia, 4,0% cho Lào, 3,4% cho Thái Lan, 3,3% cho Brunei, 2,6% cho Myanmar, 1,6% cho Australia, 1,5% cho cả Hàn Quốc và Singapore, 1,3% đối với Nhật Bản và 1,1% đối với New Zealand.Có hiệu lực vào năm ngoái, RCEP là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới.
Đối với nền kinh tế thế giới nói chung, IMF dự báo tăng trưởng ở mức 2,8% trong năm nay - thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1 so với dự báo vào tháng 10 năm ngoái. Nhìn bề ngoài, nền kinh tế toàn cầu dường như đã dần phục hồi sau những đòn giáng mạnh mẽ của đại dịch và cuộc xung đột tại Ukraine. Với Trung Quốc, niềm tin cũng đang trở lại sau khi tái mở cửa nền kinh tế. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang giảm bớt, trong khi sự xáo trộn đối với thị trường năng lượng và thực phẩm do chiến tranh gây ra đang giảm dần.
Đồng thời, việc thắt chặt chính sách tiền tệ trên quy mô lớn và đồng bộ của hầu hết các ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu mang lại kết quả, với lạm phát quay trở lại các mục tiêu. Tuy nhiên, bên dưới bề mặt, sự hỗn loạn đang vẫn đang tiềm ẩn mà cơn bất ổn ngân hàng gần đây là một ví dụ.
Chuyên gia tư vấn kinh tế của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho biết, những rủi ro suy giảm chi phối triển vọng nền kinh tế toàn cầu. Thế giới hiện đang bước vào một “giai đoạn khó khăn” với sự tăng trưởng mờ nhạt trong lịch sử, rủi ro tài chính lớn hơn và lạm phát dai dẳng.
Sau khi ngân hàng đối thủ Thụy Sĩ UBS tiếp quản Credit Suisse vào tháng trước, điều làm các nhà đầu tư quan tâm đâu sẽ là mắt xích yếu nhất tiếp theo. Đó có thể là các tổ chức tài chính sử dụng quá nhiều đòn bẩy, rủi ro tín dụng, rủi ro về lãi suất hoặc phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn...
Báo cáo của IMF cho biết, trong một kịch bản suy giảm nghiêm trọng, GDP bình quân đầu người toàn cầu có thể sắp giảm - một kết quả mà xác suất ước tính là khoảng 15%.
Thế giới đang bước vào một giai đoạn nguy hiểm, trong đó tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức thấp so với tiêu chuẩn lịch sử và rủi ro tài chính gia tăng, trong khi lạm phát vẫn chưa thay đổi một cách dứt khoát. Các dự báo mới nhất của IMF cũng cho thấy sự suy giảm tổng thể trong các dự báo tăng trưởng trung hạn.
Dự báo tăng trưởng trong 5 năm tới đã giảm dần từ 4,6% năm 2011 xuống còn 3% vào năm 2023. Điều này phần nào cũng phản ánh các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng trước đây như Trung Quốc hay Hàn Quốc đang tăng trưởng chậm lại.