Underline menu menu close

Việt Nam đẩy mạnh thực thi các cam kết lao động trong Hiệp định EVFTA, CPTPP, UKVFTA

02:53 - 10/10/2023

Báo cáo kết quả triển khai Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai len (UKVFTA) của các Bộ, ngành, địa phương trong năm 2022 của Bộ Công Thương cho thấy, để thực thi Hiệp định CPTPP, UKVFTA, EVFTA, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ lao động, tiêu chuẩn lao động phù hợp với các tiêu chuẩn, cam kết, công ước quốc tế về lao động cũng như phát triển bền vững mà Việt Nam đã tham gia.

camketlaodong20231008211328
Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực thi các cam kết về lao động. Ảnh: TTXVN

Theo đó, thời gian vừa qua, với sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan, tính đến hết tháng 12 năm 2022, Việt Nam đã gia nhập 25 Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), gồm 9/10 Công ước cơ bản, 3/4 Công ước quản trị và 13 Công ước kỹ thuật. Điều này thể hiện sự nỗ lực của Việt Nam trong việc nghiên cứu phê chuẩn các Công ước phù hợp của ILO, thể hiện sự nghiêm túc trong việc thực thi các cam kết lao động trong Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA.

Đối với Công ước 98 – Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Công ước số 105 – Xóa bỏ lao động cưỡng bức, sau khi Quốc hội phê chuẩn việc gia nhập 2 Cộng ước nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện theo Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 7 tháng 5 năm 2021 và Quyết định số 2234/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2021. Nội dung các Công ước trên đều được nội luật hóa trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt là Bộ luật Lao động 2019. Sau gần 3 năm thực hiện, dù bị tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng các quy định của Bộ luật lao động 2019 cơ bản được cộng đồng doanh nghiệp và người lao động thực hiện tương đối tốt, không có khó khăn, vướng mắc lớn.

Đặc biệt, năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia lần một về tình hình thực hiện Công ước số 98. Năm 2023, Việt Nam đã xây dựng và gửi ILO báo cáo lần 2 về tình hình thực hiện Công ước số 98 và báo cáo lần đầu thực hiện Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Đối với Công ước số 87 – Quyền tự do hiệp hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành kế hoạch nghiên cứu, đề xuất gia nhập Công ước số 87.

Kế hoạch đã xác định 7 nhóm công việc cụ thể sẽ được thực hiện để đề xuất gia nhập Công ước và thúc đẩy hoàn thiện các tài liệu trong Hồ sơ gia nhập Công ước theo quy định của Luật Điều ước quốc tế để trình cơ quan có thẩm quyền thảo luận và cho ý kiến. Mặc dù chưa phê chuẩn nhưng những nội dung cơ bản của Công ước 87 đã được nội luật hóa trong Bộ Luật Lao động 2019, cụ thể là vấn đề tổ chức của người lao động không thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và hoạt động của tổ chức này trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động trong quan hệ lao động.

Bên cạnh đó, về việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về lao động, theo Bộ Công Thương, tính đến nay, trong lĩnh vực lao động, Việt Nam đã ban hành Bộ Luật Lao động 2019 và sau đó là 05 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 02 Thông tư để triển khai thực hiện Bộ Luật Lao động 2019. Nghị định quy định về tổ chức đại diện người lao động và thương lượng tập thể chứa đựng nhiều nội dung mới, phức tạp, chưa có tiền lệ đối với hệ thống pháp luật Việt Nam cần tiếp tục được nghiên cứu, xây dựng Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thảo luận, cho ý kiến trước khi ban hành.

Ghi nhận cho thấy, tại địa phương, hầu hết các tỉnh, thành đều chú trọng công tác nâng cao đời sống cho người lao động, tăng cường công tác hòa giải giữa người lao động và doanh nghiệp, đôn đốc các tổ chức công đoàn trên địa bàn tỉnh chủ động làm việc với các chủ doanh nghiệp giải quyết những nội dung kiến nghị, vướng mắc, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Cùng với đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh công tác kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan nhà nước có chức năng quản lý việc thành lập và hoạt động của các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp. Cụ thể, trên cơ sở Nghị định số 62/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Lao động. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã xây dựng Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, kế thừa quy định về nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Cục Quan hệ lao động và Tiền lương sắp xếp, bố trí công chức thực hiện nhiệm vụ này.

Ngoài ra, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dụng Thông tư số 11/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 9 năm 2021 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố. Theo đó, Sở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật lao động về việc đăng ký và quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và theo phân công hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu và khẩn trương hoàn thiện các dự án luật liên quan tới lĩnh vực xã hội bao gồm: Xây dựng Nghị quyết mới về chính sách xã hội cho giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn 2045, dự kiến trình Ban chấp hành Trung ương vào kỳ họp tháng 10 tới. Dự kiến Nghị quyết này sẽ thay thế Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Ban chấp hành Trung ương về một số vấn đề xã hội giai đoạn 2012- 2020 với những đột phá về cách tiếp cận và giải quyết các vấn đề xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cũng dự kiến sẽ trình Quốc hội lần 1 vào Kỳ họp tháng 10 năm 2023. Theo kế hoạch, Luật sẽ tập trung vào những nội dung sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 28/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội hướng đến xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, bao phủ toàn dân. Đồng thời, nghiên cứu và hoàn thiện hồ sơ Luật Việc làm, triển khai nghiên cứu tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật để nâng cao hiệu quả thực hiện và có cơ sở sửa đổi, bổ sung các luật này trong thời gian tới.

Về phía địa phương, theo Bộ Công Thương các tỉnh, thành đều chú trọng chính sách an sinh, xã hội để hỗ trợ người lao động, đặc biệt trong bối cảnh tình trạng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Các chính sách được triển khai tương đối đa dạng từ tăng cường kết nối doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ tài chính, tập huấn, tuyên truyền và đào tạo.