Tổng số bài đăng 286.
Không chỉ là cơ hội lớn, RCEP cũng mang tới những sức ép cạnh tranh đối với ngành thủy sản Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp phải chủ động để thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội.
Trong hai ngày 30-31/5, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại các nước thành viên tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến thủy sản Việt Nam với các thị trường RCEP 2022.
Xuất khẩu thủy sản hưởng lợi
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đang mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực.
Hiệp định này cũng giúp doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là khi xuất khẩu sang thị trường các đối tác thương mại hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Trong xuất khẩu mặt hàng hàng thủy sản, các hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đây đều yêu cầu xuất xứ thuần túy ở Việt Nam, nhưng Hiệp định RCEP cho phép con giống, nuôi trồng tại Việt Nam và xuất khẩu mà vẫn được hưởng ưu đãi.
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới; trong đó xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP chiếm trên 63% thị phần xuất khẩu và chủ yếu sang thị trường các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có sự tăng trưởng khả quan.
Riêng 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đạt khoảng 4,5 tỷ USD, tăng hơn 44,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng cá tra và tôm đạt khoảng 2,8 tỷ USD.
Theo ông Lê Hoàng Tài, những thành tựu trong những năm qua cũng là dấu ấn để khẳng định vị trí của ngành thủy sản Việt Nam sẽ là một trong những ngành có đủ sức cạnh tranh và có thể thâm nhập mạnh hơn vào thị trường các quốc gia thành viên RCEP.
Ông Nguyễn Mạnh Đồng, Bí thư thứ 3, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ, Nhật Bản là đảo quốc địa hình đồi núi, diện tích đất nông nghiệp hạn chế và luôn nằm trong các quốc gia tiêu thụ thuỷ sản nhiều nhất thế giới. Đây cũng là quốc gia nhập khẩu thuỷ sản lớn trên thế giới với vị trí lớn thứ 3 cả về lượng và trị giá trong năm 2019.
5 năm trở lại đây, các nước xuất khẩu nhiều thuỷ sản nhất vào thị trường Nhật Bản gồm Trung Quốc, Mỹ, Chile, Liên bang Nga, Việt Nam, Thái Lan. Ở góc độ sản phẩm, mặt hàng được Nhật Bản nhập khẩu nhiều nhất trong 5 năm qua là tôm đông lạnh, cá hồi Thái Bình Dương đông lạnh, phile cá ngừ chế biến…
Về xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang Nhật Bản, ông Nguyễn Mạnh Đồng thông tin thêm, năm 2021 tổng trị giá xuất khẩu đạt 1,33 tỷ USD, giảm 7% so với năm 2020, chiếm 74% trị giá xuất khẩu nhóm hàng nông, thuỷ sản sang thị trường này.
Thống kê từ Hải quan Nhật Bản cho thấy, sản phẩm thuỷ sản mà Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Nhật Bản gồm tôm đông lạnh chiếm tỷ trọng 22% trong tổng nhập khẩu tôm của Nhật Bản; tôm chế biến chiếm 36% tổng nhập khẩu tôm chế biến của Nhật Bản; bạch tuộc chiếm 38% tổng nhập khẩu bạch tuộc của Nhật Bản…
Ông Nguyễn Mạnh Đồng nhấn mạnh: "Hiệp định RCEP với quy mô lớn nhất được đánh giá là sẽ giúp Việt Nam tận dụng tốt hơn về thị trường, cải thiện các điểm yếu về các tiêu chuẩn xuất khẩu. Doanh nghiệp Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu đầu vào cùng với các nước ASEAN và 5 nước đối tác để sản xuất và xuất khẩu qua các nước thị trường trong khối.
Ngoài ra, các mức cam kết về cắt giảm thuế quan trong RCEP cũng rất cao, là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu qua các thị trường này".
Biến thách thức thành cơ hội
Bên cạnh những thuận lợi, theo lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, RCEP cũng mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng thủy sản. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp thủy sản phải chủ động để thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội.
Ngoài ra, để tận dụng được những ưu đãi trong RCEP làm nâng cao lợi thế so sánh của ngành thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm hiểu thật kỹ quy tắc xuất xứ, đặc biệt là quy tắc xuất xứ cộng gộp nội khối.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần đáp ứng tốt các quy định về biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động - thực vật (SPS) và rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) của các nước nhập khẩu đối với sản phẩm thủy sản. Đây đang là khâu yếu của thủy sản Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thu Hường, đại diện thương vụ Việt Nam tại Australia, để đảm bảo xuất khẩu thủy sản vào quốc gia này, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý nhiều quy chuẩn, quy định riêng của thị trường Australia. Đầu tiên các doanh nghiệp cần lưu ý về thuế hải quan.
Thuế nhập khẩu tại Australia được tính bởi giá của hàng hóa đã được đóng vào container và được chuyển lên sàn tàu tại cảng xuất hàng, cước vận tải và phí bảo hiểm nội địa cho tới địa điểm cuối cùng tại cảng xuất khẩu được bao gồm trong tổng giá tính thuế.
Để xác định được giá trị lô hàng nhập khẩu ghi bằng đồng ngoại tệ sang đồng AUD, hải quan Australia sử dụng tỉ giá hối đoái tương ứng vào thời điểm xuất hàng.
Bên cạnh đó, thủy sản nhập khẩu vào Australia cần phải đảm bảo tiêu chuẩn khắt khe về an toàn sinh học, tuân thủ các quy định về an toàn sinh học trong đạo luật An toàn sinh học 2015.
Đồng thời, mặt hàng thủy sản cũng phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo Luật kiểm soát thực phẩm nhập khẩu năm 1992 và bộ luật tiêu chuẩn thực phẩm của Australia-Newzealand. Trong đó, có các yêu cầu cụ thể về nhãn mác, bao bì, các yêu cầu đối với chất phụ gia và gia vị thực phẩm, các yêu cầu về các chất tồn dư và các chất gây ô nhiễm thực phẩm, các yêu cầu về chế biến và hạn mức sinh học,
Nằm trong khối RCEP, thị trường Trung Quốc là một “miếng bánh” mà bất cứ quốc gia xuất khẩu thủy sản nào đều muốn giành lấy.
Bất chấp chính sách "zero Covid", xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường 1,4 tỷ dân cũng đang tăng trưởng mạnh.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), trong tháng 4/2022, xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc đã tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021, đạt 216 triệu USD. Lũy kế 4 tháng, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này ước đạt 578 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước. Riêng mặt hàng cá tra chiếm 53% xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này.
VASEP nhận định, Trung Quốc và Mỹ tiếp tục là trọng lực chính cho xuất khẩu thuỷ sản quý II/2022.
Phó trưởng ban nghiệp vụ tổng hợp, Hiệp hội xuất nhập khẩu Trùng Khánh (Trung Quốc) Ngụy Giai Vĩ cho biết, thủy sản Việt Nam có uy tín rất cao trên thị trường quốc tế. Các sản phẩm thủy sản Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm thủy sản cao cấp như cá ngừ, ngao, cá rô phi rất được người dân yêu thích.
Hiện tại, giao thương từ Trùng Khánh tới Việt Nam có rất nhiều tuyến đường thuận lợi, thời gian giao hàng có thể chỉ 10 tiếng, đảm bảo độ tươi ngon của thực phẩm. Vì vậy, bà Ngụy Giai Vĩ mong muốn các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tận dụng cơ hội này, đưa thủy sản đến Trùng Khánh.
Bà Vĩ kỳ vọng, sau khi RCEP có hiệu lực, Việt Nam là nước xuất khẩu thủy sản lớn của Trùng Khánh.
Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam