Underline menu menu close

Thương mại toàn cầu giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ đại dịch Covid-19

09:21 - 27/09/2023

Ngày 26/9, số liệu mới nhất trong Báo cáo Giám sát thương mại thế giới do Cơ quan Phân tích chính sách kinh tế của Hà Lan công bố, cho thấy khối lượng thương mại thế giới giảm với tốc độ hàng năm nhanh nhất trong gần ba năm nay vào tháng 7 và lãi suất tăng đang bắt đầu tác động đến nhu cầu hàng hóa toàn cầu.

Khối lượng thương mại đã giảm 3,2% trong tháng 7 so với cùng tháng năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ những tháng đầu của đại dịch Covid-19 vào tháng 8/2020. Theo sau mức giảm 2,4% trong tháng 6 và thêm bằng chứng cho thấy tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại.

Sau khi bùng nổ trong thời kỳ đại dịch, nhu cầu xuất khẩu hàng hóa toàn cầu đã suy yếu do lạm phát cao hơn, lãi suất bội thu của các ngân hàng trung ương thế giới tăng vào năm 2022 và chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ trong nước khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa.

1-wagner20230926160644

Sự thay đổi về khối lượng xuất khẩu diễn ra trên diện rộng, với hầu hết các nước trên thế giới đều báo cáo khối lượng thương mại giảm trong tháng 7. Trung Quốc, nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, có mức giảm hàng năm là 1,5%, khu vực đồng euro giảm 2,5% và Mỹ giảm 0,6%.

Các chỉ số tâm lý cho thấy thương mại thế giới sẽ tiếp tục yếu trong những tháng tới. Chỉ số quản lý mua hàng toàn cầu của S&P theo dõi các đơn đặt hàng xuất khẩu mới cho thấy sự sụt giảm mạnh trong tháng 8 và tháng 9 trên khắp Mỹ, khu vực đồng euro và Vương quốc Anh.

Các nhà kinh tế hiện kỳ vọng khối lượng xuất khẩu của khu vực đồng euro sẽ không thay đổi trong năm nay, sau khi dự báo mức tăng trưởng 2% vào đầu năm. Mặc dù lãi suất dự kiến sẽ không tăng thêm trong những tháng tới, nhưng các ngân hàng trung ương khó có thể cắt giảm chi phí đi vay cho đến khi có thêm bằng chứng cho thấy áp lực giá cơ bản đã được ngăn chặn.

Các nhà phân tích tin rằng việc thiếu nới lỏng tín dụng sẽ tiếp tục đè nặng lên xuất khẩu. Ariane Curtis, nhà kinh tế toàn cầu tại công ty tư vấn Capital Economics, cho biết với tác động chậm trễ của lãi suất cao có thể sẽ đè nặng hơn lên nhu cầu đối với một số hàng hóa nhất định, có thể phải mất vài tháng nữa thương mại toàn cầu mới chạm đáy.

Nhu cầu nhập khẩu những hàng hóa thường được mua bằng vốn vay - chẳng hạn như ô tô, đồ đạc trong nhà và tư liệu sản xuất - sẽ yếu đi nhiều nhất. Nhà kinh tế Mohit Kumar tại Jefferies, cho biết thương mại có thể sẽ đi theo xu hướng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, dự báo “sự suy thoái ở mọi nền kinh tế lớn trong các quý tới”. Cùng với tốc độ tăng trưởng yếu hơn, căng thẳng địa chính trị cũng ảnh hưởng đến thương mại. Trong triển vọng kinh tế mới nhất, OECD cũng nhấn mạnh các hạn chế thương mại đã hạn chế doanh số xuất khẩu kể từ năm 2018.

Cảnh báo của OECD nêu rõ sự phân mảnh về địa kinh tế và việc chuyển sang các chính sách thương mại hướng nội hơn sẽ làm giảm lợi ích từ thương mại toàn cầu và ảnh hưởng đến mức sống, đặc biệt là ở các quốc gia và hộ gia đình nghèo nhất.

Cơ quan phân tích chính sách kinh tế của Hà Lan cũng báo cáo rằng sản xuất công nghiệp toàn cầu giảm 0,1% so với tháng trước, do sản lượng giảm mạnh ở Nhật Bản, khu vực đồng euro và Anh. Sản lượng công nghiệp của Mỹ tăng 0,7%, làm dấy lên hy vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ hạ cánh nhẹ nhàng, với lạm phát giảm trở lại mức có thể chấp nhận được mà không gây ra suy thoái kinh tế.