Tổng số bài đăng 312.
Ngày 25/9, các nguồn tin từ Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết Bộ này đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các nhà xuất khẩu gạo basmati ngay khi Pakistan đặt giá xuất khẩu tối thiểu (MEP) của gạo basmati ở mức 1.050 USD/tấn, khiến Ấn Độ xem xét giảm MEP đối với gạo basmati xuống 200-300 USD từ mức 1.200 USD/tấn để các nhà xuất khẩu gạo thơm Ấn Độ không bị thiệt thòi trên thị trường toàn cầu trước quốc gia láng giềng.
Theo đó, Ấn Độ sẽ giảm giá sàn xuất khẩu gạo basmati sau khi các nhà xay xát và thương nhân phàn nàn về doanh số bán loại gạo thơm cao cấp ra nước ngoài giảm mạnh. Ấn Độ sẽ hạ giá sàn basmati xuống 850 USD/tấn, giảm từ mức 1.200 USD/tấn, để giúp các nhà xay xát và thương nhân vận chuyển loại gạo này.
Tháng trước, Ấn Độ đã ấn định giá sàn hay giá xuất khẩu tối thiểu (MEP) cho các lô hàng gạo basmati ở mức 1.200 USD/tấn. Các nhà chức trách cho biết giá MEP được áp dụng để giúp New Delhi đảm bảo rằng gạo non-basmati không được xuất khẩu dưới dạng gạo basmati.
Vào tháng 7, Ấn Độ đã gây bất ngờ cho các nhà nhập khẩu trên thế giới khi áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati được tiêu thụ rộng rãi, sau lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm vào năm ngoái.
Liên đoàn các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cho biết: Quyết định hạ thấp MEP basmati sẽ giúp những người nông dân không bị thiệt hại do xuất khẩu giảm. Động thái này cũng sẽ giúp Ấn Độ giữ được vị thế vượt trội trên thị trường gạo basmati toàn cầu.
Liên đoàn các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cũng nhận định gạo basmati không được tiêu thụ rộng rãi ở Ấn Độ và vụ mùa mới sẽ bắt đầu có mặt trên thị trường từ tháng tới, Ấn Độ sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa gạo loại cao cấp.
Một kho dự trữ lớn sẽ tác động đến giá cả và gây tổn hại cho nông dân cũng như ngành lúa gạo của Ấn Độ, vì vậy động thái hạ MEP sẽ khá hữu ích. Ấn Độ và Pakistan độc quyền trồng gạo basmati thơm, cao cấp.
Ấn Độ xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo basmati tới các nước như Iran, Iraq, Yemen, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Mỹ. Vijay Setia, nhà xuất khẩu hàng đầu từ bang Haryana phía Bắc Ấn Độ, một trong những bang vựa lúa mì của Ấn Độ, cho biết: Mức giá MEP 1.200 USD/tấn là quá cao và đó là lý do tại sao hầu hết các nhà xay xát và thương mại không thể xuất khẩu gạo basmati.
Cũng trong ngày 25/9, chính phủ Ấn Độ đã bật đèn xanh cho việc xuất khẩu 75.000 tấn gạo trắng non-basmati sang Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất khi Tổng cục Ngoại thương (DGFT) thông báo rằng việc xuất khẩu sang UAE sẽ được cho phép thông qua Công ty TNHH Xuất khẩu Hợp tác xã Quốc gia (NCEL).
Diễn biến này xảy ra khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati nhằm tăng nguồn cung trong nước trong bối cảnh lạm phát khó khăn và dự đoán gió mùa thất thường. Tuy nhiên, chính phủ đang cho phép xuất khẩu gạo non-basmati và các loại ngũ cốc khác để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực của các quốc gia dễ bị tổn thương.
Mới đây, Tổng cục Ngoại thương cũng cho biết rằng Ấn Độ đã cho phép xuất khẩu 3 vạn tấn lúa mì sang Nepal vào ngày 21/7 và 14.184 tấn sang Bhutan, cho phép xuất khẩu gạo non-basmati sang Bhutan (79.000 tấn), Mauritius (14.000 tấn) và Singapore (50.000 tấn) thông qua Công ty TNHH Xuất khẩu Hợp tác Quốc gia (NCEL). Chính phủ Ấn Độ cam kết rằng trong trường hợp mất an ninh lương thực, các quốc gia dễ bị tổn thương và các nước láng giềng yêu cầu, họ sẽ cung cấp số lượng gạo hoặc lúa mì cần thiết.
Tương tự, chính phủ Ấn Độ cho phép xuất khẩu gạo tấm sang Senegal (5 vạn tấn), Gambia (5 vạn tấn), Indonesia (2 vạn tấn), Mali (1 vạn tấn) và Bhutan (48.804 tấn). Để thúc đẩy nguồn cung ngũ cốc trong nước, chính phủ đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm vào tháng 9 năm ngoái, lệnh cấm xuất khẩu lúa mì vào tháng 5 và lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati vào tháng 7. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh lạm phát, đặc biệt là lạm phát thực phẩm vẫn ở mức cao và vẫn nằm ngoài phạm vi 2-6%.