Tổng số bài đăng 288.
Trong tài liệu chính sách "Thúc đẩy cạnh tranh công bằng trong nền kinh tế số ASEAN: Tăng cường chính sách để kiến tạo sân chơi bình đẳng", Mahirah Mahusin và Hilmy Prilliadi (Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) nhận định thị trường kỹ thuật số cạnh tranh đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giảm giá thành và nâng cao chất lượng và sự đa dạng của sản phẩm, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs).
Hiện nay, nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN hiện đang bị chi phối bởi các nhà cung cấp nền tảng lớn, như Google, Microsoft, Amazon, Grab, Goto, Shopee và Lazada. Các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với thách thức của việc cân bằng động lực đổi mới sáng tạo của thị trường cho tất cả các doanh nghiệp, bao gồm cả các công ty khởi nghiệp, đồng thời bảo vệ lợi ích đại chúng và duy trì cạnh tranh thị trường kỹ thuật số công bằng. Các nền tảng số thống trị thị trường và động lực do các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng đó tạo ra có thể dẫn đến hành vi hạn chế cạnh tranh, thao túng thị trường và các rào cản cao hơn để thâm nhập thị trường
Các quốc gia thành viên ASEAN cần hiệu chỉnh các quy định cụ thể liên quan đến cạnh tranh trên thị trường kỹ thuật số để bảo đảm các quy định mang tính trung lập về mặt công nghệ và ngành nghề lĩnh vực để điều chỉnh hiệu quả các động lực của thị trường. Trong khi Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 nỗ lực thúc đẩy hội nhập khu vực, các chính sách trong lĩnh vực cạnh tranh của các nước ASEAN vẫn chủ yếu mang tính quốc gia, với sự khác biệt về cấp độ phát triển và ưu tiên.
Vì vậy, hai tác giả đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho các nước ASEAN để thúc đẩy nền kinh tế số cạnh tranh công bằng như sau:
- Bảo đảm các điều khoản của Hiệp định Khung ASEAN về Kinh tế số (DEFA), tương thích với năng lực của các quốc gia ASEAN và phù hợp với các tiêu chuẩn cạnh tranh trong Hiệp định RCEP và Hiệp định khung ASEAN về cạnh tranh (AFAC).
- Hướng tới thiết lập các mục tiêu chính sách cạnh tranh trên toàn ASEAN, thúc đẩy hợp tác về các ưu tiên thực thi và thiết lập các mục tiêu khu vực không chính thức.
- Phát triển các chương trình xây dựng năng lực khu vực cho các cơ quan quản lý, bao gồm các công cụ, khung pháp lý, kỹ năng điều tra và trao đổi nhân sự để đào tạo thực hành.
- Xem xét các chính sách nội bộ trong các quốc gia ASEAN để tạo điều kiện cho hợp tác và trao đổi thông tin với các đối tác đối thoại và các đối tác bên ngoài, bao gồm các giao thức để miễn trừ bảo mật.
- Tăng cường hợp tác giữa các cơ quan cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ dữ liệu để hỗ trợ phối hợp thực thi và xây dựng các hướng dẫn chung để cân bằng giữa biện pháp phòng vệ cạnh tranh và các vấn đề về quyền riêng tư.
- Khởi động các chiến dịch giáo dục tiêu dùng về quyền kỹ thuật số, bảo vệ dữ liệu và nhận thức về hành vi hạn chế cạnh tranh.
- Yêu cầu bắt buộc đối với sự minh bạch từ các nền tảng kỹ thuật số đối với việc sử dụng thuật toán và dữ liệu để thúc đẩy trách nhiệm và ngăn chặn hành vi hạn chế cạnh tranh.