Tổng số bài đăng 316.
Nhằm triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPS), trong đó ASEAN là một ưu tiên quan trọng, Canada đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại – năng lượng với khu vực này.
Sáng kiến hợp tác năng lượng mới
Sáng kiến Cửa ngõ thương mại cho phát triển hạt nhân ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được Thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo tại Tuần lễ Cấp cao APEC tháng 11 năm 2024; sau đó Bộ trưởng Xúc tiến Xuất khẩu, Thương mại Quốc tế và Phát triển Kinh tế Canada, Mary Ng đã tổ chức buổi giới thiệu, chia sẻ về sáng kiến này.
Ảnh: Bộ trưởng Xúc tiến Xuất khẩu, Thương mại Quốc tế và Phát triển Kinh tế Canada, Mary Ng cùng Đại sứ một số nước ASEAN tại Canada tại buổi chia sẻ về sáng kiến Cửa ngõ thương mại cho phát triển hạt nhân (Nguồn: Mary Ng)
Là một quốc gia đi đầu thế giới trong lĩnh vực hạt nhân, Canada có thể chia sẻ chuyên môn, bí quyết và các thông lệ tốt nhất của mình cho các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh một số nước ASEAN bày tỏ quan tâm đến phát triển năng lượng hạt nhân.
Xây dựng cơ chế tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại
Ảnh: Bộ trưởng Xúc tiến Xuất khẩu, Thương mại Quốc tế và Phát triển Kinh tế Canada, Mary Ng tham dự Hội nghị Tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN – Canada lần thứ 13 tại Viêng Chăn, Lào tháng 9 năm 2024 (Nguồn: Ban Thư ký ASEAN)
Tháng 9 năm 2023, Thủ tướng Canada Justin Trudeau bổ nhiệm Đại diện Thương mại đầu tiên của Canada tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và đặt văn phòng tại Jakarta, Indonesia - một quốc gia ASEAN.
Các nước ASEAN và Canada đã nhất trí chính thức khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do giữa ASEAN và Canada (ACAFTA) tại Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN – Canada lần thứ 10 diễn ra vào tháng 11 năm 2021. Hai bên đặt mục tiêu kết thúc đàm phán Hiệp định ACAFTA vào năm 2025. Hiệp định ACAFTA sau khi được hoàn tất được kỳ vọng sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm và đưa hợp tác kinh tế - thương mại giữa ASEAN và Canada lên một tầm cao mới.
Ngoài ra, Canada và Indonesia khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Canada-Indonesia (CEPA) vào năm 2021 và sau 10 vòng đàm phán, ngày 02 tháng 12 năm 2024, Bộ trưởng Xúc tiến Xuất khẩu, Thương mại Quốc tế và Phát triển Kinh tế Canada, Mary Ng, và Bộ trưởng Thương mại Indonesia, Budi Santoso, đã ký tuyên bố chung thông báo kết thúc đàm phán Hiệp định CEPA và cam kết ký CEPA vào năm 2025. Canada và Philippnes tuyên bố khởi động thảo luận để đánh giá khả năng đàm phán một hiệp định thương mại tự do giữa hai nước; trong đó vòng thảo luận khả năng đầu tiên sẽ diễn ra trong nửa đầu năm 2025.
Đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương cho doanh nghiệp
Ảnh: Phái đoàn doanh nghiệp Canada đến Việt Nam tháng 3 năm 2024 (Nguồn: CanCham Vietnam)
Canada cũng quan tâm đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Canada tiếp xúc với doanh nghiệp các nước ASEAN, tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh tại ASEAN. Từ ngày 26 đến 29 tháng 3 năm 2024, nhân dịp Kỳ họp lần thứ 2 Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế Việt Nam – Canada, Bộ trưởng Xúc tiến Xuất khẩu, Thương mại Quốc tế và Phát triển Kinh tế Canada, Mary Ng đã dẫn đầu phái đoàn gần 250 thành viên từ gần 200 doanh nghiệp Canada trong các lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm, công nghệ - năng lượng sạch, y tế - chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin sang Việt Nam. Từ ngày 01 đến 06 tháng 12 năm 2024, Bộ trưởng Mary Ng dẫn đầu đoàn 300 thành viên từ hơn 190 doanh nghiệp Canada đến Indonesia và Philippines, trong đó có các doanh nghiệp lớn như Blackberry Cybersecurity, Sun Life, Parkland Corporation, v.v.
Trong ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada; tiếp theo là Indonesia, Singapore, và Malaysia. Quan hệ thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Canada có dấu hiệu phục hồi tích cực hậu đại dịch Covid-19. Theo số liệu của ASEANStats, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 23,1 tỷ USD vào năm 2022 và 20,3 tỷ USD vào năm 2023. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Canada vào ASEAN đạt 3,62 tỷ USD vào năm 2022, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Các lĩnh vực thế mạnh của Canada bao gồm: hàng không vũ trụ, quốc phòng, nông sản và thực phẩm chế biến, cơ sở hạ tầng, năng lượng và công nghệ sạch, công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục./.