Tổng số bài đăng 316.
Thành công của ngành Nông nghiệp Đắk Lắk năm 2024
Năm 2024, ngành nông nghiệp Đắk Lắk tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng và toàn diện. Trong đó, giá trị sản xuất gia tăng ở nhiều mặt hàng, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Cũng trong năm 2024, giá cả các mặt hàng nông sản ở Đắk Lắk luôn duy trì ở mức cao. Giá cà phê, hồ tiêu có thời điểm liên tục thiết lập đỉnh giá mới. Điều này góp phần tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp có cơ hội gia tăng giá trị sản phẩm. Kết quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong cả năm đảm bảo đạt kế hoạch đề ra. Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước đạt hơn 23.450 tỷ đồng, tăng 4,52% so với cùng kỳ, vượt 0,65% kế hoạch.
Ảnh: Hoài Thu - TTXVN
Nông sản của Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,7 tỉ USD. Trong đó nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao, có năng lực cạnh tranh rất tốt trên thị trường thế giới như cà phê, sầu riêng, mắc ca…nông nghiệp đóng góp gần 42% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Hội thảo Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và cơ hội xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam tại tỉnh Đắk Lắk
Để tiếp tục phát huy những kết quả ấn tượng này, sáng 10/12, Vụ chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Hội thảo Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và cơ hội xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam tại tỉnh Đắk Lắk.
Tham dự hội nghị có bà Nguyễn Việt Chi - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương; chuyên gia, Ông Nguyễn Văn Nhiệm – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, chuyên gia từ các đơn vị như Bộ Công Thương (Vụ Chính sách thương mại đa biên, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Văn phòng SPS), đại diện các đơn vị địa phương, và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe chuyên gia phổ biến một số quy định như: Tổng quan hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và cơ hội xuất khẩu hàng nông sản; Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP và cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản; Cam kết SPS trong Hiệp định và những lưu ý cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam; Nâng cao năng lực xuất khẩu trực tuyến cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Việt Chi - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động của Vụ Chính sách thương mại đa biên nhằm phổ biến thông tin, cam kết của Hiệp định RCEP, triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành. Hội thảo góp phần hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiểu thêm về các cam kết trong Hiệp định RCEP và những cơ hội, thách thức Hiệp định đặt ra cho lĩnh vực hoạt động của mình, từ đó có thể khai thác hiệu quả lợi ích do Hiệp định mang lại.
Bà Nguyễn Việt Chi - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương phát biểu khai mạc hội thảo
Ông Nguyễn Văn Nhiệm – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại hội thảo
RCEP là Hiệp định bao gồm 15 quốc gia thành viên, trong đó có 10 nước ASEAN và 05 nước đối tác: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022.
Mặc dù có độ bao phủ lớn nhưng các nước thành viên của RCEP cùng tham gia vào nhiều hiệp định thương mại khác, đồng thời do ra đời sau nên thời điểm hiện tại, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ RCEP chưa đạt được như mong muốn.
Trong khi đó, RCEP cũng có những điểm mạnh mà các FTA khác không có được. RCEP không chỉ đơn thuần là một hiệp định mới mà là sự hợp nhất và mở rộng các FTA trước đây, giúp đơn giản hóa các quy định và tạo ra một khu vực thương mại thống nhất, kết nối các FTA khu vực lại với nhau, tạo ra một không gian kinh tế rộng lớn và gắn kết hơn…Do vậy hội thảo là cơ hội tốt để cơ quan chức năng và doanh nghiệp Đắk Lắk tìm hiểu sâu hơn, rõ hơn về Hiệp định RCEP. Từ đó nâng cao nhận thức cho các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khai thác, tận dụng tối đa lợi ích từ RCEP mang lại đối với xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Đắk Lắk.
Toàn cảnh Hội thảo
Sau phần trình bày của các diễn giả, các doanh nghiệp tham dự Hội thảo đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến yêu cầu liên quan đến an toàn thực phẩm khi xuất khẩu sang các thị trường RCEP, cơ chế chứng nhận xuất xứ với một số mặt hàng nông sản cụ thể, cách thức tham gia Gian hàng Quốc gia Việt Nam trên Alibaba.com, v.v. Các câu hỏi đều được các diễn giả khách mời giải đáp cụ thể, đầy đủ nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng trong khu vực và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu.