Tổng số bài đăng 288.
Sau khi nhận hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) với sản phảm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Cam-pu-chia và Việt Nam, tháng 10 năm 2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ của vụ việc điều tra này.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ của vụ việc điều tra chống trợ cấp với pin năng lượng mặt trời (thuộc các mã HS 8501.61.0000, 8507.20.80, 8541.42.0010, và 8541.43.0010) nhập khẩu từ Việt Nam, Campuchia, Malaysia và Thái Lan.
DOC đã xác định có tình trạng nhập khẩu ồ ạt sản phẩm bị điều tra trong vụ việc này sau khi vụ việc được khởi xướng. DOC đã so sánh lượng nhập khẩu trong 02 giai đoạn: trước khi Nguyên đơn nộp đơn kiện (01/2024 – 04/2024) và sau khi Nguyên đơn nộp đơn kiện (05/2024 – 08/2024) và thấy rằng có sự gia tăng nhập khẩu ít nhất 15%. Vì vậy, DOC sẽ áp dụng hồi tố thuế sơ bộ trong vòng 90 ngày trước ngày Kết luận sơ bộ hoặc kể từ ngày thông báo khởi xướng điều tra được ban hành đối với 04 công ty không hợp tác nêu trên và các công ty còn lại (ngoại trừ 02 công ty bị đơn bắt buộc).
Đối với Việt Nam, mức thuế trợ cấp sơ bộ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam được xác định theo 04 mức khác nhau bao gồm:
+ Công ty Boviet Solar Technology Co., Ltd: 0.81% (đạt mức tối thiểu De minimis và coi như mức thuế là 0%).
+ Công ty TNHH JA Solar Việt Nam và các công ty thành viên (Công ty TNHH JA Solar PV Việt Nam, Công ty TNHH JA Solar NE Việt Nam): 2.85%.
+ 04 công ty gồm: Công ty GEP New Energy Limited Company, HT Solar Vietnam Limited Company, Shengtian New Energy Vina Co., Ltd và Vietnam Green Energy Commercial Services Company Ltd: 292.61% (mức thuế được tính toán trên thông tin sẵn có bất lợi, do các công ty này không trả lời Bản câu hỏi Lượng và Giá trị của Bộ Thương mại Hoa Kỳ nên bị kết luận không hợp tác).
+ Các công ty còn lại: 2.85% (tính theo mức của công ty JA solar).
Đối với Campuchia, Malaysia và Thái Lan, mức thuế trợ cấp sơ bộ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu từ các nước này lần lượt là: (1) Campuchia: 8,25% - 68,45%, (2) Malaysia: 3,47% - 123,94% và (3) Thái Lan: 0,14% - 34,52%.
Hiện nay, nguyên đơn Hoa Kỳ đã đề xuất DOC điều tra thêm 6 chương trình cáo buộc mới liên quan đến trợ cấp xuyên quốc gia với mong muốn áp thêm thuế trợ cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm: (1) Trung Quốc cung cấp tấm Wafer Silicon với giá thấp hơn giá thông thường cho các nhà sản xuất pin mặt trời Việt Nam; (2) Tín dụng xuất khẩu; (3) Trung Quốc cung cấp keo bạc/nhựa bạc với giá thấp hơn giá thông thường cho các nhà sản xuất pin mặt trời Việt Nam; (4) Trung Quốc cung cấp tấm kính kiểm soát mặt trời với giá thấp hơn giá thông thường cho các nhà sản xuất pin mặt trời Việt Nam; (5) Trung Quốc cung cấp khung nhôm năng lượng mặt trời với giá thấp hơn giá thông thường cho các nhà sản xuất pin mặt trời Việt Nam; và (6) Trung Quốc cung cấp hộp nối với giá thấp hơn giá thông thường cho các nhà sản xuất pin mặt trời Việt Nam.
Theo quy trình điều tra, sau khi có kết luận sơ bộ, Bộ Thương mại Hoa Kỳ vẫn có thể điều tra thêm các cáo buộc trợ cấp mới, đồng thời sẽ tiến hành thẩm tra tại chỗ các doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam để xác minh thông tin đã cung cấp (dự kiến tháng 12 năm 2024). Do đó, doanh nghiệp cần tập trung, hợp tác đầy đủ với Bộ Thương mại Hoa Kỳ để có thể giữ được kết quả sơ bộ đến giai đoạn cuối cùng của vụ việc. Dự kiến, DOC sẽ ban hành kết luận cuối cùng về trợ cấp vào ngày 10/2/2025.
Nhận định của các chuyên gia cho thấy, với việc ứng viên Đảng Cộng hòa - Donald Trump đã giành chiến để chính thức trở thành tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ, các chính sách mạnh tay và mang tính bảo hộ sẽ xuất hiện nhiều hơn. Trong trường hợp căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc gia tăng, Việt Nam và các nước ASEAN có thể được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, tuy nhiên việc này đồng thời cũng sẽ đi kèm với rủi ro tăng các cuộc điều tra liên quan đến bán phá giá đối với nhiều mặt hàng xuất xứ từ ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Trên cơ sở đó, Việt Nam cần kiên quyết thực hiện nghiêm việc phòng chống gian lận thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ để lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp phòng vệ thương mại, nhất là đối với một số mặt hàng như thép, nhôm, dệt may, thủy sản, v.v. Điều này đòi hỏi sự quản lý giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước và sự tuân thủ nghiêm túc, tích cực hợp tác từ các doanh nghiệp, tránh tình trạng “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Đối với các doanh nghiệp đang chịu phán quyết của DOC, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) khuyến nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu kỹ kết luận sơ bộ của DOC và gửi bình luận đối với kết luận sơ bộ và các thông tin khác trong trường hợp cần thiết theo đúng thời hạn và hướng dẫn của DOC; chuẩn bị và hợp tác tốt với DOC trong các chương trình cáo buộc mới có thể bổ sung sắp tới cũng như quá trình thẩm tra tại chỗ để hạn chế khả năng bị tăng thuế trong Kết luận cuối cùng; đồng thời Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.