Underline menu menu close

Được công nhận là nền kinh tế thị trường ý nghĩa gì với Việt Nam?

04:00 - 25/09/2023

Việc được các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, EU xem là "kinh tế thị trường" giúp Việt Nam có lợi thế trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, trợ cấp.

Đến nay, theo Bộ Công Thương, 72 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, bao gồm các nền kinh tế lớn như Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mới nhất, Vương quốc Anh đã có Thư chính thức công nhận quy chế thị trường của Việt Nam.

Nói với VnExpress, đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), cho biết kể từ vụ việc điều tra chống bán phá giá đầu tiên với Việt Nam năm 2002, Mỹ đã coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường.

Đề nghị Mỹ sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập khi gặp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo hôm 19/9 tại Washington. Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden về nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện trước đó, cũng đề cập đến vấn đề này.

52d954af42089756ce19-1900-1695-5836-7545-1695468341
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo hôm 19/9 tại Washington. Ảnh: Nhật Bắc

Ngoài Mỹ, EU cũng giữ nguyên quan điểm xem Việt Nam là kinh tế phi thị trường. Năm 2015, khi đang đàm phán FTA, đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu lưu ý với báo giới, việc ký kết không đồng nghĩa với việc công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường.

Nền kinh tế phi thị trường (non - market economy) dùng để chỉ các nền kinh tế nơi chính phủ có độc quyền hoặc gần như độc quyền về thương mại và nhà nước ấn định giá cả nội địa. Một nước xuất khẩu bị xem là phi thị trường thì các nguyên tắc tính toán giá thông thường sẽ không được sử dụng. Nước nhập khẩu có thể dùng các phương pháp khác mà họ cho là hợp lý. Điều này tạo ra một số bất lợi lớn cho các nhà sản xuất, xuất khẩu từ các nền kinh tế bị xem là phi thị trường.

Thực tế, mỗi nước, nền kinh tế sẽ có quy định riêng về các tiêu chí xác định kinh tế phi thị trường.

Theo quy định của Mỹ, có 6 tiêu chí để xem xét một nền kinh tế có thị trường hay không, gồm: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; Đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; Các yếu tố khác.

Với EU, có 5 tiêu chí để xét như: mức độ ảnh hưởng của chính phủ trong phân bổ các nguồn lực và quyết định của doanh nghiệp (Việt Nam đã thực hiện được, theo đánh giá của EU hồi 2015); không có sự can thiệp của nhà nước làm biến dạng hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp; quản trị doanh nghiệp, kế toán và kiểm toán; sự tồn tại và thực thi một số chế độ pháp lý, tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ, phá sản và cạnh tranh cũng như các hệ thống tư pháp; lĩnh vực tài chính.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, cho biết trong văn kiện gia nhập WTO những năm 2007, do bối cảnh đàm phán, Việt Nam phải chấp nhận có thể bị coi là kinh tế phi thị trường bởi nước nhập khẩu.

"Trong các vụ điều tra chống bán phá giá, việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường có ảnh hưởng lớn với các doanh nghiệp", đại diện Cục Phòng vệ Thương mại nói.

Ví dụ khi tính toán biên độ phá giá, Mỹ sẽ sử dụng giá trị của một nước thứ ba được coi là có kinh tế thị trường để tính toán chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam thay vì dùng dữ liệu do các đơn vị này cung cấp. Điều này khiến biên độ phá giá bị đẩy lên rất cao và không phản ánh thực trạng sản xuất của các doanh nghiệp Việt.

"Chưa kể nhiều khi các nhà sản xuất ở nước thay thế lại chính là đối thủ cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Việt Nam, họ có thể đưa ra các số liệu gây bất lợi trong các điều tra này", bà Trang giải thích thêm.

Ngoài ra, việc coi Việt Nam là kinh tế phi thị trường cho phép Mỹ áp dụng thuế suất toàn quốc - là mức thuế dành cho các doanh nghiệp không hợp tác hoặc không chứng minh được họ không chịu sự kiểm soát của Chính phủ. Thuế suất toàn quốc thường được Mỹ tính toán dựa trên dữ liệu sẵn có nên thường bị đẩy lên rất cao, được duy trì trong tất cả đợt rà soát, gây cản trở cho việc xem xét dỡ bỏ lệnh áp thuế.

Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam với tổng kim ngạch năm 2022 gần 109,4 USD (chiếm tỷ trọng 29,5% - theo số liệu của Tổng cục Hải Quan). Mỹ cũng khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, trong đó chủ yếu là điều tra chống bán phá giá với 25 trên 56 vụ việc tính đến tháng 8/2023.

Còn EU là thị trường nước ngoài quan trọng thứ ba đối với hàng Việt từ 2020. Số liệu Bộ Công Thương cho biết, kể từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam đã xuất sang thị trường này 128 tỷ USD hàng hóa. Còn số liệu cơ quan Hải quan cho thấy, năm 2022, giá trị hàng Việt sang EU là 46,8 tỷ USD, chiếm 12,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Vì vậy, việc được hai nền thị trường nhập khẩu lớn công nhận là kinh tế thị trường có ý nghĩa rất lớn cho các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.

"Nếu được công nhận, khi đối mặt với các vụ kiện chống trợ cấp, chống bán phá giá, doanh nghiệp Việt sẽ không chịu cách tính toán bất lợi nói trên. Như vậy biên độ, mức thuế suất tương ứng sẽ được phía Mỹ xác định theo hướng chuẩn mực, công bằng hơn, do đó có thể giảm đáng kể so với hiện tại", bà Trang nói.

Thực tế, từ năm 2008, sau khi chính thức gia nhập WTO, Việt Nam và Mỹ đã thành lập Nhóm công tác song phương về kinh tế thị trường. Đến nay, thông tin từ Bộ Công Thương - đơn vị đầu mối phía Việt Nam - cho biết hai bên đã tổ chức 10 phiên họp, cập nhật cho Mỹ tình hình kinh tế thị trường của Việt Nam. Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, trong những chuyến làm việc tại Mỹ, cũng đề cập đến vấn đề này.

Hôm 8/9, Bộ Công Thương Việt Nam đã chính thức nộp hồ sơ đề nghị Bộ Thương mại Mỹ xem xét vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam. "Thời điểm nộp hồ sơ mang tính đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ hai nước được nâng lên tầm cao mới", Cục phòng vệ thương mại đánh giá.

Theo quy định, Bộ Thương mại Mỹ sẽ quyết định có khởi xướng xem xét lại hay không trong 45 ngày và đưa ra kết luận trong 270 ngày kể từ khi Việt Nam nộp hồ sơ. Trong Tuyên bố chung của hai nước, Mỹ cho biết, sẽ khẩn trương xem xét yêu cầu công nhận quy chế thị trường. Còn trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh chính vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo nói, sẽ tìm cách thúc đẩy, để Mỹ sớm chấp thuận yêu cầu của Việt Nam.

Tổng số bài đăng 287.

Tiêu đề Ngày
THÔNG TIN BÁO CHÍ CÁC HỘI NGHỊ THAM VẤN BỘ TRƯỞNG KINH TẾ GIỮA ASEAN VÀ ĐỐI TÁC: ỐT-XTRÂY-LI-A, NIU DI-LÂN, HÀN QUỐC, NHẬT BẢN VÀ ASEAN CỘNG BA NGÀY 22/8/2023 22-08-2023
THÔNG TIN BÁO CHÍ CÁC HỘI NGHỊ THAM VẤN BỘ TRƯỞNG KINH TẾ GIỮA ASEAN VÀ ĐỐI TÁC: HOA KỲ, TRUNG QUỐC, NGA, ẤN ĐỘ, ĐÔNG Á VÀ HỘI NGHỊ BỘ TRƯỞNG HIỆP ĐỊNH RCEP NGÀY 21/8/2023 22-08-2023
THÔNG TIN BÁO CHÍ CÁC HỘI NGHỊ THAM VẤN BỘ TRƯỞNG KINH TẾ GIỮA ASEAN VÀ CÁC ĐỐI TÁC: LIÊN MINH CHÂU ÂU, CA-NA-ĐA, TỔ CHỨC SỞ HỮU TRÍ TUỆ THẾ GIỚI, HỒNG CÔNG-TRUNG QUỐC NGÀY 20/8/2023 21-08-2023
THÔNG TIN BÁO CHÍ HỘI NGHỊ BỘ TRƯỞNG KINH TẾ ASEAN LẦN THỨ 55 19/8/2023 21-08-2023
ASEAN VÀ TRUNG QUỐC BẮT ĐẦU ĐÀM PHÁN NÂNG CẤP FTA SONG PHƯƠNG 03-08-2023
ASEAN - Ốt-xtrây-li-a - Niu Di-lân hoàn tất đàm phán nâng cấp FTA 02-08-2023
ASEAN - Ốt-xtrây-li-a - Niu Di-lân hoàn tất cơ bản đàm phán nâng cấp Hiệp định AANZFTA 02-08-2023
THÔNG TIN BÁO CHÍ HỘI NGHỊ HỘI ĐỒNG CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN LẦN THỨ 22 08-05-2023
THÔNG TIN BÁO CHÍ HỘI NGHỊ BỘ TRƯỞNG KINH TẾ ASEAN HẸP LẦN THỨ 29 22-03-2023
THÔNG TIN BÁO CHÍ HỘI NGHỊ CẤP CAO KỶ NIỆM 45 NĂM QUAN HỆ ASEAN – LIÊN MINH CHÂU ÂU (EU) 05-01-2023