Tổng số bài đăng 288.
Trong tháng 10 vừa qua, Moody's và Fitch xếp hạng Việt Nam ở mức Ba2 và BB+, cho thấy thế giới tiếp tục chú ý đến sự ổn định của Việt Nam.
Các tổ chức kinh tế quốc tế uy tín có những dự báo lạc quan về tăng trưởng GDP của Việt Nam, trong đó Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi lên 6,1% trong năm 2024 nhờ nhu cầu bên ngoài tiếp tục mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài linh hoạt và các chính sách hỗ trợ. Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không đổi ở mức 6% vào năm 2024. Ngân hàng United Overseas Bank - UOB (Singapore) nâng dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam thêm 0,5 điểm phần trăm, lên 6,4%.
Ngân hàng HSBC công bố bản cập nhật dự báo kinh tế tiêu đề “Việt Nam nhìn tổng quan: Trong tầm tay”, theo đó tăng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 7% và giữ nguyên dự báo năm 2025 ở mức 6,5%.
Ngân hàng HSBC khẳng định, Việt Nam trở lại là ngôi sao tăng trưởng trong ASEAN. Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút FDI nhờ triển vọng cơ bản vẫn tích cực, đặc biệt lưu ý khả năng dòng vốn đổ vào lĩnh vực sản xuất sẽ ổn định trong tương lai sau khi chuyến công tác tại Mỹ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thu hút sự quan tâm của một số công ty.
Ngân hàng Standard Chartered ngày 18.10 nhận định, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,8%. Năm 2025 vẫn ở mức 6,7%, với mức tăng trưởng dự kiến là 7,5% trong nửa đầu năm và 6,1% vào nửa cuối năm so với cùng kỳ năm 2024. Theo các chuyên gia Standard Chartered, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay tương đối mạnh mẽ nhờ sự cải thiện trong nhiều lĩnh vực như xuất nhập khẩu, bán lẻ, bất động sản, du lịch, sản xuất.
Bên cạnh đó, Việt Nam đứng đầu danh sách 10 quốc gia có môi trường kinh doanh cải thiện nhanh nhất. Tổ chức Economist Intelligence Unit - EIU 6 (Anh) xếp Việt Nam đứng đầu danh sách 10 quốc gia có môi trường kinh doanh cải thiện nhanh nhất trong 20 năm qua, tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Theo EIU, sự tiến bộ vượt bậc này là nhờ Việt Nam: Đưa ra chính sách thương mại tự do, giảm chi phí hoạt động cho các công ty nước ngoài và đầu tư mạnh mẽ cho nguồn vốn con người và vốn vật chất; Hưởng lợi rất nhiều từ chính sách Trung Quốc + 1; Tăng cường quan hệ với các nước phương Tây, tác động tích cực đến quan hệ kinh tế với các thị trường xuất khẩu quan trọng là Mỹ và Liên minh châu Âu.
EIU dự báo, trong 5 năm tới, môi trường kinh tế của Việt Nam có khả năng sẽ cải thiện hơn so với các đối thủ cạnh tranh như Indonesia và Thái Lan nhờ các hiệp định thương mại tự do, mức lương thấp và cơ hội thị trường lớn.