Tổng số bài đăng 287.
Ngày 10/6/2024, Bộ Công Thương đã phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Chương trình Thương mại Khu vực vì Phát triển (RT4D) tổ chức Hội nghị kỷ niệm hành trình 15 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), giới thiệu bản nâng cấp của Hiệp định, cũng như đánh giá những tác động và tiềm năng của Hiệp định AANZFTA nâng cấp.
Sự kiện có sự tham dự của Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam cùng đại diện đến từ các cơ quan, Bộ, ngành của Chính phủ Việt Nam, các đại diện tại Việt Nam của các Ủy ban trong ASEAN và các Ủy ban trực thuộc AANZFTA, Đại sứ quán Australia và Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam, Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội, doanh nghiệp, các học giả và nhà kinh tế học.
Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái giới thiệu bản nâng cấp của Hiệp định AANZFTA
Khai mạc Hội nghị, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, đây là một sự kiện quan trọng, dấu mốc cho 15 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do toàn diện đầu tiên giữa ASEAN và các đối tác, Hiệp định đã giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả khu vực và Việt Nam.
Thông tin sơ bộ về tác động tích cực của Hiệp định tới các nền kinh tế, ông Lương Hoàng Thái cho biết, Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN – Australia – New Zealand (AANZFTA) được ký vào ngày 27/2/2009 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2010. Thông qua Hiệp định AANZFTA, các thành viên cam kết: Từng bước tự do hóa thuế quan kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ thuế suất nhập khẩu đối với ít nhất 90% số dòng thuế theo lộ trình cụ thể; từng bước tự do hóa các rào cản thương mại dịch vụ và cho phép nhà cung cấp dịch vụ của các bên tiếp cận thị trường thuận lợi hơn; thuận lợi hóa luồng di chuyển thể nhân cho những đối tượng tham gia các hoạt động thương mại và đầu tư trong khu vực Chấp nhận bảo hộ một số vấn đề về đầu tư như đối xử trong đầu tư, đền bù cho người thiệt hại, chuyển giao lợi nhuận và vốn...; thuận lợi hóa dòng luân chuyển hàng hóa thông quá việc áp dụng các điều khoản cụ thể về quy tắc xuất xứ, thủ tục hải quan,...
"Việc thực hiện Hiệp định tiến triển đều đặn ở tất cả các lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh và hợp tác kinh tế. Kết quả hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam, Australia và New Zealand đều chứng kiến sự tăng trưởng từ khi Hiệp định AANZFTA có hiệu lực" - Vụ trưởng Lương Hoàng Thái nhận định và cho biết thêm, riêng với Việt Nam, năm 2023, thông qua AANZFTA, Việt Nam đã cấp khoảng 71,4 nghìn bộ C/O mẫu AANZ, trị giá khoảng 2,4 tỷ USD với tỷ lệ sử dụng C/O là 40,4%. Một số mặt hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi AANZFTA trên 80% bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ (89,9%); giày dép các loại (gần 100%); hàng dệt may (88,2%)…
Với những kết quả tích cực này, Bản nâng cấp Hiệp định AANZFTA sẽ tiếp tục tạo nền móng vững chắc hơn nữa cho quan hệ thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên ASEAN, Australia và New Zealand.
Đại sứ Australia tại Việt Nam cũng cho biết, AANZFTA là thỏa thuận khu vực đầu tiên có sự tham gia của hai bên Australia và Việt Nam
Chung quan điểm, Đại sứ Australia tại Việt Nam cũng cho biết, AANZFTA là thỏa thuận khu vực đầu tiên có sự tham gia của hai bên Australia và Việt Nam. Kể từ năm 2009, quan hệ song phương giữa hai nước đã phát triển vượt bậc và tới năm 2024 được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược toàn diện.
Đại sứ Australia tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam có vai trò trung tâm trong Chiến lược Kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040 của Chính phủ Australia. Australia kỳ vọng vào sự hợp tác sâu rộng hơn nữa với Việt Nam, hướng tới những lợi ích chung về kinh tế và thương mại.
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam kỳ vọng, bản nâng cấp của Hiệp định AANZFTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp nhiều hơn nữa
Cùng phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam cũng cho biết, kể từ khi được đưa vào thực thi, Hiệp định AANZFTA đã nâng mức tăng trưởng thương mại giữa hai nước New Zealand - Australia và khu vực ASEAN lên gấp đôi. Kỳ vọng, bản nâng cấp của Hiệp định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp nhiều hơn nữa.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Giám đốc Quốc gia của chương trình RT4D tại Việt Nam chia sẻ cũng chia sẻ, trong 15 năm thực thi Hiệp định, các quốc gia thành viên đã cùng thực hiện chương trình hợp tác kinh tế hàng năm trong khuôn khổ AISP. RT4D cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Ban thư ký ASEAN để duy trì chương trinh hỗ trợ này nhằm giúp các nước thành viên ASEAN tận dụng tối đa lợi ích của AANZFTA và nhằm tăng cường hợp tác kinh tế khu vực.
Bên cạnh việc đề ra giải pháp cho các vấn đề mới nổi và đưa ra cách tiếp cận hiện đại để giải quyết các rào cản và tạo thuận lợi hóa thương mại, Hội nghị kỷ niệm hành trình 15 năm thực thi Hiệp định AANZFTA, giới thiệu bản nâng cấp của Hiệp định cũng đã tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp liên quan tới cơ hội và thách thức mà Hiệp định mang lại. Đại diện của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ: "AANZFTA là một trong những hiệp định thương mại tự do được biết đến và khai thác nhiều nhất trong cộng đồng doanh nghiệp".
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, ông Lương Hoàng Thái cũng đã giới thiệu các điều khoản mới của bản nâng cấp Hiệp định AANZFTA, được Việt Nam ký vào đầu năm 2024. Cùng đó, Tọa đàm “15 năm thực thi AANZFTA: Nhìn lại tác động của Hiệp định và định hướng chiến lược trong hợp tác song phương và đa phương" cũng đã diễn ra, cung cấp góc nhìn đa chiều từ các khách mời về tác động của Hiệp định tới nền kinh tế Việt Nam và sự hợp tác trong khu vực.
Bên cạnh đó, Tọa đàm về tiềm năng và cơ hội liên quan đến mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cùng những tác động tới lao động và môi trường cũng sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị. Ông Adrian Gilbert, Giám đốc Khu vực của RT4D khẳng định - “RT4D thúc đẩy quan hệ kinh tế thông qua việc ưu tiên thực hiện các ý tưởng hướng tới nền kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, đồng thời trao quyền cho các nhóm yếu thế, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp do nữ giới lãnh đạo. Điều này nhằm đảm bảo công bằng trong phân phối lợi ích thương mại và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và thịnh vượng”.