Tổng số bài đăng 27.
Thời gian: 2021
Đơn vị thực hiện: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP) là Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 05 đối tác kinh tế ngoài ASEAN là Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản và Trung Quốc, được ký kết vào ngày 15/11/2020. Hiệp định có hiệu lực sau khi có đủ 6 nước ASEAN và 03 đối tác ngoài ASEAN hoàn tất quá trình phê chuẩn nội bộ.
Việt Nam có mối quan hệ thương mại – đầu tư đặc biệt lớn với các nước thành viên ký kết RCEP. Những đối tác thuộc tốp đầu các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, các nguồn nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam đều có mặt trong khu vực này. Trong so sánh với các FTA của ASEAN và ASEAN với các đối tác, Hiệp định RCEP có phạm vi cam kết rộng, mức độ tự do hóa mạnh và/hoặc có tiêu chuẩn cao hơn ở nhiều khía cạnh. Do đó, việc thực thi RCEP được dự báo sẽ có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Văn kiện Hiệp định bao gồm 20 Chương và 04 Phụ lục, với nhiều ngàn trang cam kết có nội dung và ngôn ngữ phức tạp. Việc tìm hiểu và tận dụng được cơ hội từ các cam kết này là thách thức lớn với hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu và có sự chuẩn bị đầy đủ hơn cho việc thực thi hiệu quả Hiệp định này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI (Trung tâm WTO và Hội nhập) đã tiến hành biên soạn cuốn Cẩm nang doanh nghiệp “Tóm lược Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)”.
Đây là tài liệu tóm tắt các nội dung cốt lõi của RCEP, lựa chọn trong số các cam kết có tác dụng trực tiếp nhất và dự kiến có ảnh hưởng nhiều nhất tới lợi ích của doanh nghiệp. Trên cơ sở phân tích nội dung các cam kết RCEP, đánh giá ảnh hưởng của chúng tới doanh nghiệp, tham khảo các nghiên cứu, phân tích, tóm tắt của chuyên gia trong và ngoài nước về cam kết, Cẩm nang diễn giải các cam kết theo cách thức ngắn gọn, dễ hiểu, đồng thời lưu ý doanh nghiệp về những vấn đề cần quan tâm, tập trung chuẩn bị cho việc thực thi hiệu quả các cam kết liên quan.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) cho việc nghiên cứu, biên soạn và phổ biến Cẩm nang doanh nghiệp này./