Tổng số bài đăng 27.
Thời gian: 03/2022
Đơn vị thực hiện: Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công thương
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, khả năng doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài, đặc biệt là các nước đối tác đã tham gia ký kết FTA với Việt Nam.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP, là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên là: Ốt-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po và Việt Nam.
Hiệp định đã được ký kết ngày 08 tháng 3 năm 2018 tại thành phố San-ti-a-gô, Chi-lê, và chính thức có hiệu lực từ ngày 30 tháng 12 năm 2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mê-hi-cô, Nhật Bản, Xinh-ga-po, Niu Di-lân, Ca-na-đa và Ốt-xtrây-lia. Đối với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14 tháng 01 năm 2019.
Với việc đi vào thực thi Hiệp định CPTPP, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, hướng dẫn về lĩnh vực phòng vệ thương mại để có ứng phó phù hợp trong trường hợp bị các nước thành viên của Hiệp định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng một cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do các nước đối tác CPTPP điều tra áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là rất cần thiết.
Đánh giá được sự cần thiết phải trang bị các thông tin cần thiết để các doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó hiệu quả với các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của các thị trường đối tác có liên quan, Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng ấn phẩm điện tử: Cẩm nang phòng vệ thương mại dành cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP.