Tổng số bài đăng 287.
Ngày 5/11/2024, Bộ LĐ-TB&XH với vai trò là Cơ quan chủ trì Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN (ASCC) tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế về Kế hoạch Chiến lược Cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN sau năm 2025
Hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ Ngoại giao; Bộ Công Thương; các Bộ, ngành thuộc Văn hoá – Xã hội ASEAN tại Việt Nam; các đơn vị liên quan thuộc Bộ LĐTBXH; Đại sứ quán các nước ASEAN tại Hà Nội;
Một số Cơ quan Liên Hợp quốc; một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí. Đặc biệt, Hội thảo được kết nối trực tuyến với Ban Thư ký ASEAN có trụ sở tại Gia các ta, In-đô-nê-xia…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 năm 2023, các Nhà Lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và giao nhiệm vụ tiếp theo cho 3 Trụ cột Cộng đồng Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hoá – Xã hội (VHXH). Theo đó, cụ thể hoá Tầm nhìn thành các biện pháp, chương trình hành động thông qua một Kế hoạch chiến lược của mỗi Cộng đồng. Các Kế hoạch chiến lược này được báo cáo lên các Nhà Lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao ASEAN vào năm 2025.
Nhấn mạnh việc hoàn thành các Kế hoạch Chiến lược trên cả 3 Trụ cột là một ưu tiên lớn của ASEAN từ nay đến hết năm 2025, Phó Vụ trưởng Hà Thị Minh Đức khẳng định Việt Nam và các nước thành viên ASEAN đang rất chú trọng vào quá trình xây dựng vì đây sẽ là cơ hội để các nước lồng ghép những ưu tiên quốc gia vào kế hoạch chung của khu vực. Các Kế hoạch Chiến lược nói chung và Kế hoạch Chiến lược ASCC sau năm 2025 nói riêng khi được thông qua sẽ góp phần tạo ra một Cộng đồng năng động và tự cường, không chỉ bảo vệ phúc lợi của người dân mà còn thúc đẩy tăng trưởng và tiến bộ trong khu vực.
Tại Hội thảo, đại diện Bộ Công Thương – Cơ quan chủ trì Trụ cột Kinh tế trong ASEAN đã chia sẻ về “Kế hoạch chiến lược Chiến lược Cộng đồng Kinh tế ASEAN sau 2025”, trong đó khẳng định Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã kế thừa và phát huy các mục tiêu từ Kế hoạch Tổng thể 2025 đã được triển khai trong hơn 08 năm sang Kế hoạch chiến lược sau 2025. ASEAN được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư vào năm 2050, vì vậy, việc xây dựng một chiến lược kinh tế mạnh mẽ, tham vọng và tổng hòa các lợi ích của các nước thành viên là yếu tố quan trọng để đạt được đà tăng trưởng này. Trong bối cảnh xu thế thế giới ngày càng phân cực, khả năng thay đổi dòng chảy thương mại và dịch chuyển các chuỗi cung ứng, phát triển công nghệ và chuyển đổi số đang định hình lại nền kinh tế thế giới, thay đổi nhân khẩu học cùng nhiều yếu tố tác động bên ngoài như biến đổi khí hậu, chặng đường phía trước đặt ra cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN nhiều cơ hội cũng như thách thức mới chưa từng có, đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo và nhu cầu hợp tác chặt chẽ hơn nữa.
Để hiện thực hóa triển vọng được dự báo, Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã tái khẳng định các cam kết của mình tại dự thảo “Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045” được các Lãnh đạo ASEAN ghi nhận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 năm 2023, trong đó đưa ra các định hướng lớn cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN giai đoạn sau 2025, bao gồm: tiếp tục thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn nhằm xây dựng một thị trường chung và trung tâm sản xuất của khu vực; đồng thời tăng cường sức mạnh nội tại để ASEAN trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, ASEAN không chỉ hướng đến tăng trưởng kinh tế mà còn tập trung phát triển bền vững và bao trùm, đảm bảo mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển. Bên cạnh đó, ASEAN hướng tới trở thành trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hợp tác về công nghệ để tận dụng tiến bộ khoa học, chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái kỹ thuật số đáng tin cậy. Cộng đồng Kinh tế ASEAN cũng sẽ tiếp tục duy trì quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi với các quốc gia và tổ chức quốc tế, giữ vững vai trò trung tâm trong các quan hệ khu vực, hướng đến vị thế dẫn dắt trong nền kinh tế toàn cầu. Cuối cùng, ASEAN đặt mục tiêu tăng cường khả năng ứng phó trước các khủng hoảng tương lai, từ biến đổi khí hậu đến thách thức địa chính trị. Các định hướng này sẽ được cụ thể hóa trong Kế hoạch Chiến lược AEC giai đoạn sau 2025 và dự kiến trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 47.
Hội thảo cũng ghi nhận những thông tin chia sẻ rất tích cực của các tổ chức, đối tác về các ưu tiên hoạt động gắn với các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành ở cấp khu vực và tại Việt Nam. Trong bối cảnh chuẩn bị kết thúc thực hiện Kế hoạch Tổng thể của Cộng đồng VHXH ASEAN 2025 ở cấp khu vực và Đề án 161 Bộ LĐ-TB&XH coi đây nhiệm vụ trọng tâm và là tiền đề để Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục xây dựng một Đề án triển khai Kế hoạch Chiến lược trên ở cấp quốc nối tiếp Đề án 161.