Tổng số bài đăng 286.
Trong cuộc họp thứ 2 cũng là cuộc họp cuối cùng của Phiên rà soát diễn ra vào ngày 29 tháng 4 năm 2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã thay mặt đoàn Việt Nam trả lời các bình luận, nhận xét của 43 thành viên WTO đưa ra tại cuộc họp đầu tiên vào ngày 27 tháng 4 năm 2021 theo từng nhóm vấn đề, từ định hướng chiến lược hội nhập và phát triển kinh tế cho đến các vấn đề cụ thể như cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho thương mại, phòng chống gian lận thương mại và thương mại với bình đẳng giới.
Bài phát biểu của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh được Chủ tọa phiên họp, Đại sứ Athaliah Lesiba Molokomme và Thảo luận viên, Đại sứ Hà Lan Monique Van Daalen và các thành viên WTO đánh giá rất cao. Chủ tọa phiên họp, Thảo luận viên chúc mừng Việt Nam về sự thành công của Phiên rà soát chính sách thương mại, nhấn mạnh những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được kể từ khi gia nhập WTO cũng như từ sau phiên Rà soát chính sách thương mại đầu tiên. Sau phiên họp, Ban Thư ký WTO và nhiều thành viên WTO cũng bày tỏ vui mừng và đánh giá cao thành công này của Việt Nam, đồng thời mong muốn Việt Nam đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong hệ thống thương mại đa phương.
Thành công của Phiên rà soát chính sách thương mại lần này có được nhờ sự chuẩn bị rất sớm của Chính phủ và các Bộ, ngành, trong đó Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ điều phối. Ngay từ tháng 3 năm 2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định thành lập Ban Công tác liên Bộ với sự tham gia của tất cả các Bộ, ngành liên quan và triển khai xây dựng Đề án “Công tác chuẩn bị và tiến hành Phiên Rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 của Việt Nam tại WTO.” Được sự chỉ đạo và quan tâm của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan và Phái đoàn Việt Nam tại Giơ-ne-vơ, Bộ Công Thương đã dự thảo và hoàn thiện Báo cáo Quốc gia của Việt Nam, xây dựng bức tranh toàn cảnh về tình hình phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư… của Việt Nam cho giai đoạn rà soát 2014-2019, đồng thời cung cấp dữ liệu, rà soát và góp ý cho Báo cáo của Ban Thư ký WTO phục vụ cho Phiên TPR. Tất cả các báo cáo này đều được các thành viên WTO đánh giá cao về chất lượng thông tin, thể hiện toàn diện và chi tiết những đặc điểm cơ bản của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn rà soát.
Bên cạnh việc xây dựng báo cáo, Việt Nam đã nhận được gần 900 câu hỏi và bình luận từ các thành viên WTO, bao gồm các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Vương quốc Anh... Theo Ban Thư ký WTO, Việt Nam là một trong năm thành viên WTO nhận được nhiều câu hỏi nhất cho một Phiên TPR tính cho đến thời điểm này. Với khối lượng câu hỏi đồ sộ và gần gấp đôi số câu hỏi nhận được tại Phiên TPR lần đầu tiên (gần 500 câu), Ban Công tác liên Bộ đã trả lời phần lớn các câu hỏi được đưa ra. Nỗ lực này đã được Ban Thư ký WTO và các Thành viên WTO đánh giá rất cao.
Với việc nằm trong danh sách 20 thành viên có trao đổi thương mại lớn nhất của WTO, Việt Nam sẽ tiến hành rà soát chính sách thương mại 5 năm/lần thay vì 7 năm/lần như hiện nay. Như vậy, Phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ 3 của Việt Nam dự kiến được tổ chức vào năm 2026./.