Tổng số bài đăng 243.
Mexico đứng đầu trong khối CPTPP nhập khẩu cá tra Việt Nam
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2023, CPTPP mua 158 triệu USD cá tra từ Việt Nam, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ tính riêng tháng 8/2023, xuất khẩu cá tra sang khối thị trường này đạt 23 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ. Mức sụt giảm đã được thu hẹp so với những tháng trước đó.
Trong đó, Mexico vẫn là thị trường đứng đầu trong khối CPTPP về nhập khẩu cá tra Việt Nam với 7 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ. Theo sau đó lần lượt là Canada, Nhật Bản, Singapore với 4 triệu USD, 3 triệu USD và 2,8 triệu USD, giảm lần lượt 4%, 24% và 14%.
Tính đến 15/9/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang khối thị trường CPTPP đạt 167 triệu USD, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nửa đầu tháng 9/2023, xuất khẩu cá tra sang các thị trường trong khối CPTPP đa phần ghi nhận tăng trưởng dương so với nửa đầu tháng 9/2022.
CPTPP nhập khẩu gần 9 triệu USD cá tra Việt Nam trong nửa đầu tháng 9 năm nay, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số thị trường tăng trưởng dương 2 con số so với cùng kỳ năm 2022 là Nhật Bản, Mexico, Canada đạt lần lượt 1,3 triệu USD (tăng 75%), 2,4 triệu USD (tăng 59%), 1,3 triệu USD (tăng 16%).
Giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mexico mặc dù có sụt giảm, nhưng quốc gia Bắc Mỹ này vẫn duy trì vị trí dẫn đầu khối thị trường CPTPP về nhập khẩu cá tra Việt Nam.
Việt Nam xuất khẩu chủ yếu hai sản phẩm cá tra chính sang Mexico là sản phẩm cá tra phile đông lạnh và cá tra cắt khúc đông lạnh sang thị trường này.
Giá trung bình xuất khẩu cá tra sang thị trường Mexico giảm xuống 2,07 USD/kg trong tháng 8/2023, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái, đây cũng là mức thấp nhất kể từ đầu năm nay.
Tháng 2/2023 giá trung bình xuất khẩu cá tra sang Mexico đạt 2,62 USD/kg, mức cao nhất trong 8 tháng đầu năm. Tuy nhiên, các tháng sau đó giá liên tục giảm và duy trì dưới mức 2,5 USD/kg.
Với những tín hiệu thị trường tăng tốc những tháng cuối năm, kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu cá tra sang khối thị trường CPTPP trong tháng 9/2023 sẽ lần đầu ghi nhận tăng trưởng dương kể từ đầu năm nay.
Việc Anh trở thành thành viên mới của CPTPP cũng sẽ làm tăng cường chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng trong khối, thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại trong khu vực, và tạo thuận lợi hơn cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước thành viên trong khối.
Doanh nghiệp thủy sản đang tận dụng tốt các FTA
Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI – nhận định, thủy sản là một trong những ngành tận dụng tốt cơ hội từ các FTA nói chung và CPTPP nói riêng. Tuy nhiên, với một số thị trường mới, thì mức độ tận dụng Hiệp định CPTPP là tốt, nhưng ở một số thị trường mà Việt Nam cùng lúc có nhiều các FTA thì câu chuyện đó là Hiệp định nào mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nhất.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho hay, chúng tôi có những con số rất khả quan. Ví dụ như tại thị trường Trung Quốc, kim ngạch thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tận dụng được Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN -Trung Quốc tới 95%.
Kim ngạch thủy sản của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc tận dụng FTA với thị trường này là 94%; hay với thị trường EU là 83%. Mexico là một trong những thị trường mới của CPTPP cũng đạt được tỷ lệ tận dụng 77%.
Như vậy, trong tổng thể, các doanh nghiệp thủy sản đang tận dụng tốt các cơ hội từ thuế quan từ các FTA mang lại.
Điều này không hẳn là quá bất ngờ vì thủy sản nói riêng và các ngành nông lâm thủy sản nói chung mức độ tận dụng các ưu đãi từ các FTA tương đối cao, nguyên nhân do chúng ta sử dụng nguồn nguyên liệu chủ yếu trong nước, do đó, đáp ứng được quy tắc xuất xứ.
Tuy nhiên, điều này chúng ta cũng không phủ nhận được thực tế đó là các doanh nghiệp thủy sản được xem là những doanh nghiệp đi đầu trong hội nhập trước đây và các FTA sau này trong tận dụng ưu đãi thuế quan, đáp ứng được các quy tắc xuất xứ.
Bên cạnh những thuận lợi, theo bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đối với ngành thủy sản, khó khăn lớn nhất đang làm giảm mức độ tận dụng lợi thế về thuế quan đó là thiếu nguồn nguyên liệu trong nước, đặc biệt là nguồn nguyên liệu hải sản. Trong khi đó, khối thị trường CPTPP là khối thị trường tiêu thụ một lượng hải sản khá lớn của Việt Nam, nhất là tại thị trường Nhật Bản.
Để đáp ứng nhu cầu cho các đơn hàng và nhu cầu của các nước trên thế giới, doanh nghiệp buộc phải chuyển sang hình thức nhập khẩu nguyên liệu từ các nước trong khối CPTPP và các nước khác. Điều này đồng nghĩa với chúng ta đang trao cơ hội cho các thị trường các nước khác khi chúng ta đã có cơ hội về mức thuế nhập khẩu 0%.
Thiếu nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng…, nên lựa chọn sản xuất hàng giá trị gia tăng và tận dụng ưu đãi thuế nhập khẩu theo Hiệp định CPTPP đang là những giải pháp của nhiều doanh nghiệp vừa để ổn định việc làm cho người lao động, vừa để tận dụng công suất chế biến.
Dư địa ở khối thị trường CPTPP vẫn còn nhiều đối với thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta cần có được nguồn nguyên liệu ổn định trong nước, cũng như đa dạng nguồn cung nhập khẩu từ các nước nội khối.
Cộng đồng doanh nghiệp thủy sản rất mong có sự đồng hành và hỗ trợ một cách hiệu quả của các bộ ngành trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, từ đó có được điều kiện tốt để tận dụng lợi thế từ Hiệp định CPTPP và các FTA khác, để giữ được vị thế của thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.