Tổng số bài đăng 316.
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.
Sửa quy định về chữ ký
Tại Tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành nhằm quy định về hóa đơn, chứng từ để triển khai thực hiện Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
Sau thời gian triển khai, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý để quản lý hóa đơn, đặc biệt là hóa đơn điện tử theo hướng hiện đại, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Trên cơ sở các nghị định của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản hướng dẫn và đã chỉ đạo cơ quan Thuế thực hiện thống nhất. Kết quả thu ngân sách nhà nước từ thuế, phí trong năm 2021 đạt khá đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ tài chính- ngân sách nhà nước năm 2021. Đặc biệt, hiện nay, hệ thống hóa đơn điện tử đã được triển khai trên toàn quốc.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình thực hiện Nghị định số 123/2020/NĐ-CP có một số điểm quy định chưa rõ, cần phải sửa đổi, bổ sung để tạo cơ sở pháp lý thống nhất, thuận lợi cho việc thực hiện của người nộp thuế và công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan Thuế.
Cụ thể, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2022. Nghị định cũng khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử trước ngày 1/7/2022.
Trong đó, tại Phụ lục IB ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP có mẫu số 01/TB-SSĐT thông báo về việc tiếp nhận và kết quả xử lý hóa đơn điện tử đã lập có sai sót. Mẫu này được cơ quan Thuế gửi cho người nộp thuế để phản hồi về việc đã tiếp nhận thông báo hóa đơn điện tử có sai sót mà người nộp thuế gửi trong cả 2 trường hợp sai sót do người nộp thuế tự phát hiện; sai sót do cơ quan Thuế phát hiện và yêu cầu người nộp thuế kiểm tra. Tại Mẫu số 01/TB-SSĐT có quy định “Chữ ký số của Thủ trưởng cơ quan Thuế”.
Bộ Tài chính cho biết, qua thực tiễn triển khai hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, TP thời gian qua, khối lượng hóa đơn sai sót mà người nộp thuế thông báo đến cơ quan Thuế khá nhiều.
Đối với trường hợp sai sót do người nộp thuế tự phát hiện, việc thủ trưởng cơ quan Thuế phải thực hiện ký đích danh phản hồi về việc cơ quan Thuế đã tiếp nhận thông báo hóa đơn điện tử có sai sót đối với từng trường hợp làm cho quá trình xử lý mất nhiều thời gian, tăng khối lượng công việc cho cơ quan Thuế và chưa tạo được thuận lợi cho người nộp thuế.
Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết phải sửa đổi quy định về chữ ký tại Mẫu số 01/TB-SSĐT ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Sửa đổi quy định về lập hóa đơn
Cũng tại Tờ trình, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2022/NĐ-CP.
Ngày 28/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Theo đó, giảm 2% thuế suất thuế GTGT từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%) trừ một số hàng hóa, dịch vụ.
Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, Bộ Tài chính nhận được một số công văn của các cục thuế, doanh nghiệp và một số cơ quan báo chí phản ánh vướng mắc về quy định tại khoản 4 Điều 1 về việc lập hóa đơn riêng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng.
Cụ thể, Khoản 4 Điều 1 quy định cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng. Theo quy định, trường hợp không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế thì không được giảm thuế giá trị gia tăng. Quy định này nhằm tạo thuận lợi trong việc phân loại, quản lý những hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế, song lại làm tăng thời gian của kế toán doanh nghiệp và chi phí sử dụng hóa đơn, nhất là tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều hóa đơn trong ngày.
Đối với quy định, trường hợp doanh nghiệp thấy khó khăn khi tách hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế nên không lập hóa đơn riêng, thì người tiêu dùng lại không được thụ hưởng lợi ích từ chính sách, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Vì vậy, Bộ Tài chính cho biết, cần thiết phải sửa đổi quy định về lập hóa đơn tại Khoản 4 Điều 1 của Nghị định số 15/2022/NĐ-CP.
Nguồn: Báo Hải Quan Online