Tổng số bài đăng 260.
Mastercard ký kết Biên bản ghi nhớ với Quỹ ASEAN (ASEAN Foundation), một tổ chức quốc tế thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào ngày 18 tháng 10 năm 2024, với mục tiêu triển khai các sáng kiến nhằm nâng cao năng lực an ninh mạng cho các cơ quan hành chính công và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của các quốc gia thành viên Quỹ.
Đại diện Mastercard và Quỹ ASEAN ký Biên bản ghi nhớ khởi động Chương trình Nâng cao năng lực an ninh mạng trong toàn khu vực
Về tổ chức:
Quỹ ASEAN — được thành lập tại Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 30 năm ASEAN — là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động như một cánh tay hỗ trợ, thực hiện các chương trình xây dựng cộng đồng. Do đó, quỹ này nhằm mục đích thúc đẩy sự hiểu biết, nhận thức, tương tác và phát triển toàn diện hơn về văn hóa của người dân ASEAN.
Mastercard là một trong những hình thức thanh toán không tiếp xúc được chấp nhận rộng rãi ở Đông Nam Á Quan hệ đối tác với công ty công nghệ thanh toán toàn cầu Mastercard nhằm mục đích thúc đẩy an ninh mạng trong khu vực, điều này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả về mặt kinh tế và xã hội. Bằng cách giúp giảm rủi ro an ninh mạng từ thanh toán kỹ thuật số, Mastercard sẽ khuyến khích việc áp dụng rộng rãi các hình thức thanh toán không tiếp xúc trong khu vực. Đổi lại, ASEAN được hưởng lợi từ một nhóm dân số có hiểu biết về tài chính và hiểu biết về kỹ thuật số hơn, thúc đẩy sự hòa nhập kinh tế và khả năng phục hồi lớn hơn trên khắp các quốc gia thành viên.
Về nội dung chương trình:
Nằm trong khuôn khổ hợp tác, chương trình Nâng cao năng lực an ninh mạng ASEAN Foundation - Mastercard sẽ tập trung vào ba mục tiêu chính: Nâng cao nhận thức, cung cấp chương trình đào tạo và kỹ năng, nâng cao năng lực thông qua việc chia sẻ công nghệ và kiến thức.
Đối với khu vực tư nhân, sáng kiến sẽ tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp trong khu vực và cung cấp 85% cơ hội việc làm. Các sáng kiến bao gồm: (i) Trang bị cho các SME khả năng xử lý sự cố trên không gian mạng thông qua Mastercard Trust Center, một cổng thông tin trực tuyến tự phục vụ, cung cấp các khóa học, tài nguyên, công cụ hoàn toàn miễn phí hỗ trợ các SME đảm bảo an toàn an ninh mạng; (ii) Giúp các SME phát hiện các lỗ hổng trong quá trình hoạt động thông qua My Cyber Risk, một công cụ của Mastercard cho phép các doanh nghiệp xác định, ưu tiên và xử lý các mối đe dọa an ninh mạng đối với hạ tầng kỹ thuật số; (iii) Cập nhật liên tục cho các SME về những mối đe dọa và hiểm họa tiềm ẩn thông qua những buổi hội thảo, hội nghị về an ninh mạng, cũng như các sự kiện trong ngành có liên quan đến chủ đề an ninh mạng.
Đối với khu vực công, sáng kiến hợp tác sẽ thúc đẩy những hành động thiết thực nhằm đảm bảo các tổ chức hành chính công luôn sẵn sàng đối phó các vấn đề an ninh mạng, bao gồm: (i) Thực hiện các buổi hội thảo trực tuyến được thiết kế đặc biệt nhằm giải quyết các thách thức hiện nay về vấn đề an ninh mạng mà các chính phủ trong khu vực ASEAN đang phải đối mặt, cung cấp góc nhìn chuyên môn đối với các vấn đề trọng điểm cho các chuyên gia nắm giữ vai trò liên quan đến an ninh an toàn trên không gian mạng thuộc khu vực công; (ii) Thực hiện những buổi diễn tập tấn công trên không gian mạng nhằm kiểm tra mức độ sẵn sàng và khả năng chống chịu trước các cuộc tấn công mạng của các tổ chức, đồng thời chỉ ra các điểm có thể cải thiện; (iii) Thực hiện các báo cáo nghiên cứu, cung cấp các công cụ đánh giá rủi ro cho các cơ quan chính phủ thuộc ASEAN và thúc đẩy đối thoại cũng như hợp tác hướng tới phòng chống các cuộc tấn công trên không gian mạng.
Những sáng kiến này là một phần trong những nỗ lực không ngừng của ASEAN nhằm nâng cao năng lực an ninh mạng của khu vực, xây dựng năng lực an ninh mạng và chia sẻ thông tin về tội phạm mạng cho các quốc gia thành viên.
Ông Satvinder Singh, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế ASEAN cho biết: “Để hiện thực hóa tầm nhìn Kinh tế số ASEAN, chúng ta cần tăng cường hội nhập khu vực, giúp doanh nghiệp hoạt động liền mạch và cung cấp cho người tiêu dùng các dịch vụ số an toàn, thuận tiện, bao gồm các giải pháp thanh toán trực tuyến. Trọng tâm của quá trình chuyển đổi này là củng cố khả năng phục hồi an ninh mạng trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng đang biến đổi không ngừng, ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp.” Ông cũng chia sẻ thêm: “Tôi cũng muốn biểu dương Mastercard và Quỹ ASEAN vì tiên phong trong việc thúc đẩy các sáng kiến an ninh mạng. Với vai trò tích cực của Mastercard trong các giải pháp thanh toán xuyên biên giới, tác động sâu rộng đến hoạt động kinh tế và xã hội trên toàn cầu, các sáng kiến tài chính và bảo mật tiên tiến của Mastercard là không thể thiếu trong việc nâng cao năng lực an ninh mạng và niềm tin kỹ thuật số không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới.”
Ông Dr. Piti Srisangnam, Giám đốc điều hành của Quỹ ASEAN, cho biết: “Chương trình Nâng cao năng lực an ninh mạng ASEAN Foundation - Mastercard là một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường năng lực an ninh mạng trong khu vực. Trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng ngày càng trở nên phức tạp, chúng ta cần giúp các quốc gia thành viên không chỉ xây dựng các biện pháp phòng thủ mạnh mẽ hơn mà còn nâng cao khả năng chia sẻ thông tin quan trọng và hợp tác xuyên biên giới. Chương trình này cho phép chúng ta áp dụng một cách tiếp cận thống nhất, tăng cường cả kỹ năng và nguồn lực, để chúng ta có thể cùng nhau giải quyết các thách thức mạng. Bằng cách hợp tác chặt chẽ, chúng ta không chỉ bảo vệ tương lai số mà còn giữ vững vị thế cạnh tranh và khả năng phục hồi của ASEAN trong cuộc đua chống lại các rủi ro an ninh mạng.”
Đông Nam Á đã và đang chứng kiến sự bùng nổ của nền kinh tế kỹ thuật số, với mức tăng trưởng hàng năm đạt 27% kể từ năm 2021. Mặc dù đầu tư dành cho an ninh mạng trong khu vực đã tăng 14% mỗi năm kể từ năm 2021 và dự kiến sẽ đạt 6,1 tỷ đô vào năm 2026 nhưng vẫn chưa đủ để bắt kịp với tốc độ phát triển của tội phạm mạng trong cùng khu vực với mức tăng 82% từ năm 2021 đến năm 2022. Cùng lúc đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với hệ thống an ninh yếu ớt là mục tiêu chủ yếu của các vụ tấn công. Tại Singapore, có khoảng 52% trong tổng số các vụ tấn công an ninh mạng được ghi nhận trong năm 2023 đã ảnh hưởng đến các SME".
Nguồn: Mastercard.