Tổng số bài đăng 26.
Theo báo cáo từ Bộ Thương mại Campuchia, từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2024, Campuchia đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 6,76 tỷ USD sang các quốc gia RCEP, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Campuchia nhập khẩu từ các quốc gia RCEP tổng cộng 18,78 tỷ USD, phản ánh sự tăng trưởng 17,3% so với 9 tháng đầu năm 2023. Năm đối tác thương mại thuộc khu vực RCEP lớn nhất của Campuchia là Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản và Singapore.
Theo Quốc vụ khanh kiêm Người phát ngôn Bộ Thương mại Campuchia, ông Penn Sovicheat, điều này cho thấy các nước khu vực RCEP đang trở thành đối tác thương mại ngày càng quan trọng đối với Campuchia và RCEP là động lực thúc đẩy tăng trưởng thương mại của nước này, ông nhấn mạnh “bất chấp chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và nhu cầu toàn cầu suy yếu, RCEP đã tạo động lực thúc đẩy hợp tác thương mại khu vực, mang lại lợi ích to lớn cho tất cả các nước thành viên”.
Khu vực thương mại RCEP đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Campuchia bằng cách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và tạo ra các cơ hội kinh doanh mới. Sự gia tăng xuất khẩu hàng hóa của Campuchia sang thị trường các nước thành viên hiệp định RCEP cho thấy nhu cầu của thị trường khu vực RCEP đối với các hàng hóa và sản phẩm đến từ Campuchia, cũng như niềm tin và sự lạc quan về triển vọng xu hướng tích cực này sẽ tiếp tục, mang lại lợi ích cho sự phát triển kinh tế và thịnh vượng của Campuchia.
Sự thống nhất trong chủ trương hội nhập kinh tế thế giới của nước này cũng được thể hiện qua quan điểm của Lãnh đạo nước này khi Thủ tướng Hun Manet đã cho biết Campuchia cũng đang theo đuổi các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia khác, kêu gọi các bên liên quan và nhà sản xuất duy trì năng lực, chất lượng và lòng tin. Thủ tướng Campuchia cũng đặt mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế Campuchia từ việc dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô sang sản xuất các sản phẩm bán thành phẩm và thành phẩm để cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu, với mục tiêu cùng cùng nhằm nâng cao sinh kế của người dân Campuchia.
Hiệp định RCEP, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2022, bao gồm 15 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm 10 thành viên ASEAN—Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam—cùng với năm đối tác thương mại: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Hiệp định RCEP có GDP tổng cộng là 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% của tổng sản phẩm nội địa GDP toàn cầu, 28% thương mại toàn cầu và 32,5% đầu tư toàn cầu, trở thành một khối thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Nhìn chung, Hiệp định RCEP đã đem lại những lợi ích hữu hình cho Campuchia, giúp nước này hướng đến giai đoạn phát triển tiếp theo nhanh hơn và tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu, để tận dụng tối đa các cơ hội mà Hiệp định RCEP đem lại, Campuchia hay một số nước ASEAN khác cũng cần thực hiện cải cách cơ cấu nền kinh tế sâu sắc hơn nữa theo hướng cải thiện nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi thương mại cũng như đầu tư trong và ngoài nước, cải thiện dịch vụ liên kết và thương mại dịch vụ, tạo ra thương mại và đầu tư kỹ thuật số, đồng thời phát triển nguồn nhân lực chủ chốt qua đó cho phép Campuchia hay một số nước ASEAN khác tham gia cao hơn và sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.