Tổng số bài đăng 22.
Sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ năm 2019, xuất khẩu tôm Việt sang Canada liên tục khởi sắc. Tính đến ngày 15/5/2022, xuất khẩu tôm sang Canada đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất so với các thị trường còn lại trong khối CPTPP.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Canada là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của tôm Việt Nam trong khối CPTPP, chiếm 22% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam vào khối thị trường này.
Sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ năm 2019, xuất khẩu tôm Việt sang Canada liên tục tăng. Theo đó, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Canada đạt 187 triệu USD, tăng 23% so với năm 2019; năm 2021 tăng 18% so với năm 2019, đạt 180 triệu USD. Tính tới nửa đầu tháng 5 năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này cũng ghi nhận mức tăng trưởng 87% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 100 triệu USD.
Hiện có khoảng 80 doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Canada trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhất như Công ty Minh Phu Seafood Corp , Minh Phu-Hau Giang, Stapimex, Vina Cleanfood, Cuu Long Seapro…
Những năm gần đây, Canada tiêu thụ khá nhiều tôm nước ấm của các nước Đông Nam Á trong bối cảnh nguồn cung tôm nước lạnh sụt giảm. Đây có thể được coi là yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada.
Ngoài ra, trong Hiệp định CPTPP, mặt hàng thủy sản được xóa bỏ thuế ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Bên cạnh đó, gần 90% dân số Canada ăn thủy sản, trong đó cá hồi và tôm là hai sản phẩm hải sản tiêu thụ nhiều nhất ở Canada, và cũng nằm trong nhóm sản phẩm thủy sản nhập khẩu nhiều nhất của nước này. Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh sản xuất thủy sản với nhiều mặt hàng đa dạng. Đây chính là cơ hội để tôm Việt Nam mở rộng thêm thị phần tại Canada.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, song theo quy định của nước sở tại, Cơ quan Kiểm soát thực phẩm Canada (CFIA) kiểm soát trên 1.000 nhà nhập khẩu thủy sản của nước này. Theo Chương trình Thanh tra nhập khẩu thủy sản của CFIA, các nhà nhập khẩu thủy sản để tiêu thụ trên thị trường nội địa phải có giấy phép nhập khẩu thủy sản hoặc giấy phép nhập khẩu Chương trình quản lý chất lượng từ CFIA.
Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam nói riêng và xuất khẩu thủy sản nói chung có ý định thâm nhập thị trường này cần chú ý đáp ứng các quy định của CFIA.
VASEP cũng lưu ý, các doanh nghiệp Việt Nam định hướng xuất khẩu vào thị trường Canada cần nghiên cứu thông tin, hoạch định chiến lược cụ thể để tiếp cận và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Nguồn: Báo Công Thương