Tổng số bài đăng 26.
Theo thống kê của Ban Thư ký ASEAN tại Báo cáo tóm tắt Hội nhập kinh tế ASEAN năm 2024 (ASEAN Economic Integration Brief, số 15), các nền kinh tế ASEAN dự báo sẽ có sự tăng trưởng nhẹ, đạt 4,6% vào năm 2024 và tiếp tục tăng lên 4,7% vào năm 2025.
Triển vọng này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ hậu covid và thể hiện khả năng chống chịu đối với các biến động tài chính. Tăng trưởng dự kiến chủ yếu được thúc đẩy nhờ lượng khách du lịch gia tăng và sự phục hồi của các ngành công nghiệp bán dẫn và điện tử toàn cầu. Hiệu suất thương mại năm 2024 cũng được dự báo có tín hiệu, triển vọng lạc quan ở hầu hết các thị trường. Thêm vào đó, áp lực lạm phát giảm và chi phí vay ổn định dự kiến sẽ tạo ra một môi trường tài chính thuận lợi hơn, hỗ trợ thêm cho các hoạt động kinh tế trong khu vực.
Thương mại nội khối ASEAN đã ghi nhận tăng trưởng âm trong năm 2023 do nhiều yếu tố. Các cuộc xung đột ở Trung Đông đã làm gián đoạn các tuyến thương mại qua Biển Đỏ, khiến chi phí vận chuyển tăng gấp đôi và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Thêm vào đó, kinh tế Trung Quốc giảm tốc, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN - cũng là nguyên nhân làm giảm thương mại. Trong số ba mặt hàng xuất khẩu chính của ASEAN, hai mặt hàng đã giảm đáng kể trong nửa cuối năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022: điện tử (HS-85) giảm 4%, nhiên liệu khoáng sản (HS-27) giảm 17%. Máy móc (HS-84) giữ mức ổn định với mức tăng nhẹ 0,3%.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN vẫn cho thấy khả năng chống chịu của khu vực, với mức tăng khiêm tốn 0,3% từ năm 2022 đến 2023, theo số liệu sơ bộ của ASEANstats. Mặc dù tình trạng bất ổn kinh tế và rủi ro địa chính trị khiến một số công ty trì hoãn đầu tư mới, tăng trưởng tổng thể vẫn tích cực. Mức tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào các khoản đầu tư lớn từ Mỹ trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm, đạt 74,4 tỷ USD, tăng 32,4% so với năm 2022. Việc FDI vào ASEAN tăng trưởng trong ba năm liên tiếp đã củng cố sức hút của ASEAN đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Áp lực lạm phát trong ASEAN tiếp tục giảm nhờ giá hàng hóa và sản phẩm toàn cầu giảm, cùng với tình hình chuỗi cung ứng dần ổn định sau đại dịch. Xu hướng lạm phát tại ASEAN dự kiến sẽ giảm từ 4,1% năm 2023 xuống 3,2% năm 2024 và 3,0% năm 2025, dần trở về mức trung bình trước đại dịch. Tuy lạm phát thực phẩm cũng đang giảm bớt, nhưng giá gạo vẫn duy trì ở mức cao do hiện tượng thời tiết như El Niño, La Niña và các hạn chế xuất khẩu gạo từ Ấn Độ gây tác động đến giá cả.
Dự báo một số rủi ro ảnh hưởng triển vọng kinh tế ASEAN
Căng thẳng địa chính trị leo thang và các cuộc xung đột nổ ra, tương tự như xung đột ảnh hưởng đến các tuyến vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ, có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy giá hàng hóa lên cao và làm gia tăng sự bất ổn kinh tế, đặc biệt ảnh hưởng đến các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại như ASEAN. Khu vực này cũng dễ bị tác động từ các thay đổi của chính sách tiền tệ toàn cầu, khi lãi suất tăng cao trong thời gian dài có thể dẫn đến xu hướng khối ngoại rút dòng vốn và giảm giá trị đồng tiền, làm gia tăng lạm phát và hạn chế tiềm năng tăng trưởng. Sự “phân mảnh” kinh tế toàn cầu cũng có thể gây ảnh hưởng dây chuyền, làm giảm nhu cầu cho xuất khẩu của ASEAN cũng như tác động đến hoạt động kinh tế tổng thể. Các rủi ro liên quan đến thời tiết, biến đổi khí hậu và hiện tượng El Niño và La Niña có thể làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp, tăng giá thực phẩm và tạo ra nguy cơ mất an ninh lương thực, đặc biệt là tại Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Định hướng ưu tiên phát triển kinh tế cho ASEAN
Mặc dù triển vọng kinh tế của ASEAN vẫn cho thấy dấu hiệu khả quan, khu vực này vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước cùng các chiến lược quốc gia phù hợp. Để ứng phó với bối cảnh kinh tế phức tạp và đảm bảo tăng trưởng bền vững, ASEAN cần ưu tiên tăng cường hợp tác khu vực để giải quyết các thách thức chung như gián đoạn chuỗi cung ứng, căng thẳng địa chính trị và tác động của biến đổi khí hậu. Đa dạng hóa đối tác thương mại và đầu tư là điều quan trọng để giảm sự phụ thuộc vào một số đối tác và ngành hàng lớn, thúc đẩy thương mại nội khối ASEAN và khai thác cơ hội ở các thị trường mới nổi và các ngành có tốc độ tăng trưởng cao. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và phát triển kỹ năng doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng sáng tạo. Cuối cùng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, toàn diện và có trách nhiệm với môi trường sẽ đảm bảo sự thịnh vượng lâu dài cho khu vực và người dân ASEAN.