Tổng số bài đăng 33.
Thời gian thực hiện: 2021
Đơn vị thực hiện: Bộ Ngoại giao New Zealand và Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam
Sổ tay “Tìm hiểu thị trường mua sắm công Việt Nam qua lăng kính CPTPP” được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu thực trạng công tác đấu thầu tại Việt Nam, cam kết của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP, đồng thời tham khảo ý kiến chuyên môn của Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm cung cấp các thông tin cơ bản cần thiết cho các nhà thầu trong nước, nước ngoài muốn tìm hiểu cơ hội tham gia đấu thầu các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP.
Nội dung của Sổ tay hướng đến những thông tin thiết thực như: Tóm tắt nội dung chính về cam kết Mua sắm Chính phủ trong CPTPP; Các cách thức tìm kiếm thông tin đấu thầu trong lĩnh vực mua sắm công tại Việt Nam; Nguyên tắc xác định gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP; Cách thức tham gia đấu thầu tại Việt Nam và Một số điều cần lưu ý khác.
Về Hiệp định CPTPP
Ngày 08/3/2018, Việt Nam và 10 nước đối tác (bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore) đã ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Hiệp định này được kỳ vọng mang lại cơ hội thúc đẩy thương mại, hỗ trợ việc làm và tăng trưởng cho các nước thành viên thông qua việc loại bỏ hầu hết thuế quan, gỡ bỏ rào cản pháp lý, mở cửa thị trường mua sắm chính phủ... Tháng 11/2018, Quốc hội Việt Nam thông qua CPTPP và Hiệp định chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14/01/2019.
Với dân số hơn 96 triệu người có đời sống ngày càng nâng cao trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng (hơn 7% trong năm 2019), Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng và cơ hội cho các doanh nghiệp trong khối CPTPP.
Theo dự báo, CPTPP sẽ có tác động đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam thông qua cải thiện tốc độ tăng GDP, thúc đẩy cải cách thể chế và chính sách. Mua sắm chính phủ (đấu thầu), với tư cách là một Chương của CPTPP bao gồm nhiều cam kết chưa từng có, cũng là lĩnh vực được kỳ vọng có nhiều thay đổi mạnh mẽ.
Do đây là Hiệp định đầu tiên Việt Nam mở cửa thị trường mua sắm chính phủ (MSCP) và CPTPP có nhiều khác biệt so với pháp luật trong nước về phạm vi áp dụng, nguyên tắc trong lựa chọn nhà thầu…, quá trình thực thi các cam kết MSCP trong CPTPP sẽ xuất hiện không ít thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh kiến thức và năng lực của các cán bộ làm công tác đấu thầu trong nước còn hạn chế, nhận thức và sự chuẩn bị của nhà thầu chưa đầy đủ, hạ tầng công nghệ thông tin còn chưa ổn định.
Nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, và cũng là tạo thuận lợi cho các cơ quan mua sắm tuân thủ đúng và đủ các cam kết về đấu thầu mua sắm trong CPTPP, Việt Nam đã và đang từng bước chuyển hóa cam kết của CPTPP thành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn riêng đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định.
Trên cơ sở tổng hợp các văn bản pháp luật hiện hành về đấu thầu của Việt Nam và các cam kết trong CPTPP, Tài liệu hướng dẫn (TLHD) này sàng lọc một số thông tin cơ bản và quan trọng mà nhà thầu cần biết khi có quan tâm tới các gói thầu tại Việt Nam thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP, trong đó nhấn mạnh các quy định đấu thầu của Việt Nam áp dụng đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP – những quy định có thể tác động đáng kể tới cơ hội kinh doanh của nhà thầu hay cơ hội xuất khẩu hàng hóa của nhà thầu nước ngoài vào Việt [3] Nam.
TLHD cũng đưa ra một số khuyến nghị giải đáp các thắc mắc phổ biến của nhà thầu, trong đó có nhà thầu nước ngoài, về những vấn đề cần lưu ý khi tìm kiếm và tham gia đấu thầu trong các gói thầu như vậy nhằm tối đa hóa các lợi ích mà Hiệp định có thể mang lại. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích để các tổ chức, cá nhân có thể tham khảo trong quá trình đấu thầu tại Việt Nam.
Bản mềm Sổ tay được đính kèm tại đây.
Nguồn: Cổng thông tin FTA (fta.moit.gov.vn)