Tổng số bài đăng 28.
Là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao đầu tiên mà Việt Nam từng tham gia, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có tác động trực tiếp tới nhiều chế định pháp luật nội địa của Việt Nam. Do đó, khác với nhiều FTA trước đây, công tác sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy định pháp luật nội địa nhằm bảo đảm tương thích với cam kết là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình thực thi Hiệp định này.
Trên thực tế, có thể nói CPTPP là hiệp định đầu tiên sau WTO đòi hỏi Việt Nam phải triển khai các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi cam kết ở phạm vi rộng như vậy. Một phần đáng kể trong số này đã được triển khai trong giai đoạn 2019-2020, với các văn bản được ban hành mới, sửa đổi/bổ sung trong nhiều lĩnh vực, ở các cấp độ pháp lý khác nhau.
Việc tổng kết quá trình thực hiện các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP đã triển khai, đánh giá các thành công và bất cập, nhận diện những nguyên nhân liên quan có ý nghĩa rất quan trọng. Một mặt, đây là cơ sở để Việt Nam rút ra những bài học kinh nghiệm trực tiếp cho giai đoạn thực thi CPTPP tiếp theo. Mặt khác, những hàm ý chính sách từ đây có thể là gợi ý hữu dụng cho các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao trong thời gian tới, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA).
Với mục tiêu đưa ra bức tranh toàn cảnh về hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP trong giai đoạn 2019-2021, qua đó tổng kết các kết quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại và các hàm ý chính sách từ đây cho Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác này cho cả CPTPP và các FTA thế hệ mới khác trong thời gian tới, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (Trung tâm WTO và Hội nhập) thực hiện Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách”.
Báo cáo được thực hiện trên cơ sở hoạt động (i) Tổng hợp các kế hoạch xây dựng pháp luật thực thi CPTPP của các cơ quan có thẩm quyền (Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành); (ii) Rà soát chi tiết quá trình soạn thảo, nội dung, hiệu quả thực tế của các văn bản pháp luật thực thi cam kết CPTPP đã ban hành hoặc đang soạn thảo trong giai đoạn 2019-2021; (iii) Phân tích so sánh chi tiết các yêu cầu của cam kết với các quy định “nội luật hóa” các cam kết trong các văn bản này; và (iv) Phỏng vấn, trao đổi với một số cơ quan có thẩm quyền trong xây dựng, tổ chức thực hiện các văn bản này và một số hiệp hội doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ các quy định thực thi cam kết CPTPP. Các phương pháp nghiên cứu tại bàn, mô tả lý thuyết, phân tích và so sánh pháp lý, phỏng vấn trực tiếp và/hoặc bình luận của chuyên gia, tổng hợp và phân tích thực tế thi hành đã được sử dụng để thực hiện Báo cáo này.
Nhóm nghiên cứu trân trọng cảm ơn Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan - Nguyên Phó Chủ tịch VCCI, Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Nguyên Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp về những ý kiến bình luận quan trọng cho Báo cáo này. Trân trọng cảm ơn các chuyên gia từ Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam về những thông tin thực tiễn rất có ý nghĩa cho việc xây dựng Báo cáo.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) cho việc tổ chức nghiên cứu và xây dựng Báo cáo này./