Tổng số bài đăng 240.
Trong 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 41,29 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD, tăng 11,7%. Kết quả trên rất có ý nghĩa trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, thương mại của các nước.
Chiều 4/11/2021, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Toạ đàm "Một năm thực thi Hiệp định EVFTA: Cơ hội, thách thức và giải pháp" theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tham dự toạ đàm có Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh, đại diện các Bộ Ngoại giao, Công Thương, Kế hoạch Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn,Tài chính, Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đại sứ, Tham tán thương mại thuộc các Cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước thành viên EU, cùng gần 30 đại biểu từ các Hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU; khẳng định việc thực thi Hiệp định EVFTA từ tháng 8/2020 đã tạo xung lực mới cho quan hệ Việt Nam - EU, mở ra các cơ hội hợp tác rộng lớn, góp phần đẩy mạnh hoạt động giao thương, kết nối đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Sau hơn một năm đi vào triển khai, Hiệp định EVFTA đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Trong 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 41,29 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD, tăng 11,7%. Kết quả trên rất có ý nghĩa trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, thương mại của các nước.
Để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, tận dụng hiệu quả Hiệp định, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang đề nghị đại diện các Bộ, ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp và các cơ quan đại diện Việt Nam tại EU cùng đánh giá thực chất tình hình triển khai Hiệp định, làm rõ các vướng mắc, từ đó đưa các giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao các tiêu chuẩn về lao động, môi trường, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, cũng như tăng cường kết nối giữa các Bộ, ngành, cơ quan đại diện với các hiệp hội, doanh nghiệp. Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang khẳng định Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Liên minh Châu Âu (EU) sẽ tiếp tục tham gia, đóng góp và đồng hành cùng các cơ quan và doanh nghiệp trong thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA và triển khai chiến lược hội nhập của đất nước trong giai đoạn mới.
Đồng phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh những kết quả tích cực sau một năm triển khai EVFTA đã đáp ứng được kỳ vọng về kim ngạch thương mại đề ra. Sau một năm thực thi, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU sử dụng mẫu chứng nhận xuất xứ cho thị trường EU đạt tỷ lệ khá cao ở mức gần 8 tỷ USD, cho thấy nhiều doanh nghiệp đã chú ý và tận dụng tốt các ưu đãi cắt giảm thuế quan trong hiệp định.
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, so với các Hiệp định FTA đã có hiệu lực, mức độ hiểu biết và kỳ vọng của doanh nghiệp đối với Hiệp định EVFTA là tương đối cao (30.19% doanh nghiệp được khảo sát hiểu và nắm rõ các thông tin về các cam kết trong EVFTA so với mức trung bình 22,95% ở các FTA khác). Hiệp định EVFTA là một trong những Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam có tỷ lệ tận dụng tốt nhất trong năm đầu tiên thực thi.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, nhờ có Hiệp định EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã tăng trưởng theo hướng bền vững hơn, cả về chất và lượng, với cả xuất, nhập khẩu đều đạt kết quả tích cực. Nông sản, dệt may, thủy sản là những ngành hàng đã tận dụng tốt các cơ hội từ Hiệp định. Ngoài cơ hội về mở rộng, đa dạng hoá thị thị trường, Hiệp định EVFTA cũng đem lại cho Việt Nam cơ hội để cải cách thể chế, minh bạch hoá, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và chuyển đổi cơ cấu hàng hoá hướng tới xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng cao.
Tại Toạ đàm, các Đại sứ, Tham tán thương mại tại Bỉ, Đức, Áo… đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về thị trường, xu hướng tiêu dùng tại một số nước EU, sự kiện xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, thực tế các mặt hàng phía EU có nhu cầu và Việt Nam có thể đáp ứng chưa nhiều, năng lực cạnh tranh và mức độ tham gia sâu vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp còn hạn chế; chưa kết hợp được xuất khẩu với hợp tác đầu tư công nghệ cao để sản xuất, phân phối sản phẩm.
Các đại biểu doanh nghiệp đều đánh giá cao việc tổ chức Tọa đàm có ý nghĩa hết sức thiết thực, là cơ hội để các hiệp hội và doanh nghiệp nằm bắt thông tin, chia sẻ khó khăn và nêu các đề xuất. Đại diện các doanh nghiệp đề nghị các cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, tiếp cận các thông tin và chính sách ưu đãi, đổi mới cách thức sản xuất theo hướng bền vững... Doanh nghiệp cũng mong muốn các cơ quan đại diện sẽ tăng cường cung cấp thông tin về thị trường, có kế hoạch phối hợp quảng bá hình ảnh thương hiệu quốc gia, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại một cách đồng bộ tại các địa bàn châu Âu./.
Nguồn: Việt Nam Hội Nhập