Tổng số bài đăng 237.
Sau hơn 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã tận dụng tốt lợi thế của Hiệp định để gia tăng xuất khẩu vào các nước CPTPP.
Bà Tô Thị Tường Lan - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh những tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngành thủy sản sau 3 năm thực thi.
Thủy sản là ngành đang tận dụng tốt những cơ hội từ CPTPP, xin bà cho biết những kết quả đạt được của ngành này sau 3 năm hiệp định có hiệu lực?
Sau gần 4 năm Hiệp định có hiệu lực, với nhiều biến động của thị trường xuất khẩu trong thời gian qua như dịch bệnh Covid -19; xung động giữa Nga - Ukraina, chính sách Zero-Covid của Trung Quốc đã tác động mạnh mẽ đến thị trường thế giới song xuất khẩu vào khối CPTPP thể hiện sự phát triển ổn định và đầy tiềm lực.
Nếu nhìn vào kim ngạch chung của thủy sản ở khối này sẽ không thấy sự tăng trưởng bùng nổ trong vòng 4 năm qua bởi vẫn duy trì thị phần từ 25-26%. Tuy vậy nếu xét riêng lẻ từng quốc gia và mặt hàng xuất khẩu chủ lực này đã có sự tăng trưởng rất rõ nét.
Theo đó, ước tính đến thời điểm cuối tháng 11/2022, xuất khẩu thủy sản cán đích 10 tỷ USD sớm hơn dự kiến thì riêng khối các nước CPTPP ước đạt khoảng 2,6 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2021 và tăng 13,6% so với năm 2018.
Đáng chú ý, các nước trong khối đều tăng trưởng hai con số so với năm 2021 như Nhật Bản tăng 33%, Canada 67%, Úc 53%, Malaysia 34%, Mexico59% và đặc biệt đã mở được thị trường Peru với giá trị gần 12 triệu đô, tăng trên 100%.
Ngoài ra, Nhật Bản là thị trường truyền thống của Việt Nam với giá trị 1,3-1,4 tỷ USD đã góp phần tạo nên sự sôi động cho thương mại thủy sản giữa Việt Nam và khối CPTPP.
Nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt lợi thế để phát triển các dòng sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra. Trong đó tôm xuất khẩu vào khối đã tăng 51% và nhanh chóng phủ sóng các thị trường như Úc với tốc độ tăng trưởng gần 60%; Canada tăng 56%... Đối với sản phẩm cá tra cũng có sự tăng trưởng rất ấn tượng tại Mexico với mức tăng trưởng 70% - đưa quốc gia này là nước nhập khẩu cá tra lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và Trung Quốc.
Một điểm đặc biệt là bên cạnh ưu đãi về thuế quan giúp các doanh nghiệp Việt tăng được khả năng cạnh tranh so với các nước khác thì hiệp định này cũng mang lại cơ hội nhập khẩu nguồn nguyên liệu, phụ liệu từ các nước thành viên. Cụ thể các nước CPTPP đóng góp một phần đáng kể cho nguồn nguyên liệu thuỷ sản nhập khẩu vào Việt Nam để gia công, chế biến, xuất khẩu; giúp doanh nghiệp sử dụng công suất, máy móc đã đầu tư và tạo việc làm ổn định cho công nhân.
Để có kết quả nói trên, ngành thủy sản đã thực hiện những giải pháp nào thưa bà?
Để có thể tận dụng cơ hội, ngay từ đầu khi CPTPP chưa chính thức được ký kết, Hiệp hội làm truyền thông nội bộ qua kênh truyền thông của Hiệp hội để các doanh nghiệp nắm bắt dần thông tin về Hiệp định, thông tin về các nước thành viên cũng như những báo cáo thị trường chuyên sâu các nước trong khối.
Tiếp đó, chúng tôi đã chủ động phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức rất nhiều lớp tập huấn từ các thông tin chung về khối, sau đó đi sâu và vấn đề cốt lõi là quy tắc xuất xứ làm thế nào để tận dụng ngay lợi thế về thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… cũng được tập huấn rất nhiều.
Một yếu tố thành công của các doanh nghiệp thủy sản trong việc nhanh chóng tận dụng được những ưu đãi do CPTPP mang lại chính là sự chủ động chuẩn bị và xây dựng trước 1 hệ thống quản lý an toàn thực phẩm trong chuỗi sản xuất chế biến. Đây là những doanh nghiệp đã có kinh nghiệm xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU - vốn là thị trường đòi hỏi các tiêu chuẩn và qui trình nghiêm ngặt, do đó họ đã áp dụng các tiêu chuẩn cao của thế giới để quản lý hệ thống nuôi, chế biến.
Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp thủy sản đang dần thay đổi để nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hơn với các yêu cầu của thị trường từ khâu quản lý chất lượng, đến truy xuất nguồn gốc, và hướng đến doanh nghiệp có trách nhiệm. Việc áp dụng các tiêu chuẩn bền vững về nuôi, chế biến, trách nhiệm xã hội là xu thế tất yếu nếu doanh nghiệp muốn thâm nhập và khối CPTPP hay các thị trường khác.
Hiện thị trường đang có nhiều yếu tố căng thẳng như lạm phát diễn ra ở nhiều quốc gia, các xung đột quân sự và thương mại còn phức tạp. Bà nhận định gì về những khó khăn mà doanh nghiệp sẽ phải đối diện?
Mặc dù xuất khẩu đạt hơn 10 tỷ USD năm nay tuy nhiên chúng tôi thấy rõ muôn vàn khó khăn mà Dn Việt nam đang và sẽ bị tác động sâu sắc trước những biến động của tình hình kinh tế thế giới. Theo đó, từ quý III/2022 đã thấy rõ những khó khăn, thách thức khiến cho sản xuất – xuất khẩu tăng trưởng chậm lại so với nửa đầu năm. Năm 2023, sẽ vẫn còn đó những thách thức làm cản trở sự tăng trưởng của ngành thủy sản xuất khẩu.
Để ngành thủy sản tiếp tục phát triển, tận dụng được lợi thế của CPTPP nói riêng và các FTA khác nói chung, chúng tôi kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thủy sản vay vốn để duy trì sản xuất - xuất khẩu, có biện pháp hỗ trợ để bình ổn giá năng lượng cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Về lâu dài, phải ổn định quỹ đất theo quy hoạch cho nuôi trồng thủy sản, phát triển những vùng nuôi tiềm năng mới. Phát triển các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, trong đó chú trong đến việc quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu mang tính chuyên nghiệp và đặc trưng chung của quốc gia, toàn ngành…
Nguồn: Báo Công Thương