Tổng số bài đăng 316.
Hiệp định khung về Kinh tế số trong ASEAN (DEFA) là một trong những sáng kiến chính của Lộ trình Chuyển đổi số Bandar Seri Begawan (BSBR) – Chương trình nghị sự về chuyển đổi số của ASEAN đã được thông qua tại Hội nghị Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ECC) lần thứ 20. Hiệp định DEFA, dự kiến sẽ kết thúc đàm phán vào cuối năm 2025, được kỳ vọng sẽ thiết lập một nền tảng vững chắc để đưa ASEAN trở thành khu vực có nền kinh tế số hàng đầu, đóng vai trò là một văn kiện toàn diện tổng hợp các kế hoạch hành động liên quan đến chuyển đổi số và kinh tế số thành một chiến lược toàn diện duy nhất.
Theo báo cáo của e-Conomy SEA xuất bản năm 2022, ASEAN hiện đang là khu vực được các chuyên gia đánh giá có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử và kinh tế số cao nhất hiên nay. Với tỉ lệ tăng trưởng kép đạt 21% đạt 200 tỷ đô vào năm 2022, thị trường thương mại điện tử của ASEAN ước tính sẽ đạt 330 tỷ đô vào năm 2025. Ngoài ra, theo nghiên cứu của Nhóm Tư vấn Boston (BCG), với mức độ tăng trưởng như hiện nay của ASEAN giá trị thị trường thương mại điện tử sẽ đạt mốc 1 nghìn tỷ USD trong vào năm 2030, tuy nhiên với việc thực thi DEFA con số có thể lên tới 2 nghìn tỷ USD trong năm 2030. Không chỉ có tác động tích cực đến các vấn đề thương mại, trong quá trình xây dựng DEFA cũng bao gồm các yếu tố liên quan đến nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử, thắt chặt vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân, v.v. Từ đó có thể thấy, DEFA được kỳ vọng sẽ là cơ sở để thiết lập nền tảng vững chắc, toàn diện đưa ASEAN trở thành khu vực có nền kinh tế số hàng đầu.
Tại Nghiên cứu về Hiệp Định DEFA của ASEAN được nghiên cứu bởi BCG được triển khai bởi Ủy ban điều phối ASEAN về Thương mại điện tử và Kinh tế số (ACCED) cùng với sự phối hợp bởi các ban ngành, các nhóm chuyên môn trong ASEAN, Hiệp định DEFA sẽ bao gồm 9 điều khoản cốt lõi nhằm thúc đẩy thương mại số xuyên biên giới liền mạch, an toàn, và minh bạch nhờ công nghệ và tiêu chuẩn thống nhất. Các điều khoản này đã được đề xuất để các nước thành viên ASEAN xem xét, dựa trên các thực tiễn tốt nhất, ý kiến từ khu vực tư nhân và quá trình thảo luận chặt chẽ với các AMS và cơ quan chuyên ngành.
Đàm phán hiện nay cũng ghi nhận sự khác biệt về trình độ phát triển và mức độ sẵn sàng giữa các nước thành viên cho việc cam kết và thực thi Hiệp định DEFA trong tương lai. Để góp phần xử lý khác biệt này, vừa qua, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 56 diễn ra vào tháng 9 năm 2024 tại Lào đã đề nghị Ủy ban đàm phán thảo luận về các phương án linh hoạt, sáng tạo hơn để cho phép các nước chưa sẵn sàng có thời gian nâng cao năng lực trước khi thực hiện các cam kết sâu và toàn diện dự kiến được đưa vào Hiệp định DEFA để đảm bảo hiện thực hóa tầm nhìn của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về việc xây dựng một nền kinh tế số khu vực mở, an toàn, có khả năng tương tác, cạnh tranh và toàn diện.
Đến tháng 10 năm 2024, Ủy ban đàm phán hiệp định DEFA đã nỗ lực thảo luận toàn bộ các điều khoản, bao gồm những nội dung mới, hướng tới việc đồng thuận 50% tổng số nội dung vào cuối năm 2024.