Tổng số bài đăng 316.
Sau khi đi vào hiệu lực ở năm thứ 3, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tiếp tục nhận được sự quan tâm về việc gia nhập của một số nền kinh tế.
Chile và Bangladesh là nền kinh tế thứ 3 và thứ 4 có các hành động thể hiện sự quan tâm và nguyện vọng tham gia Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới RCEP. Vào giữa tháng 6 năm 2024, Thứ trưởng phụ trách quan hệ kinh tế quốc tế, Bộ Ngoại giao Chile, bà Claudia Sanhueza Riveros, đã trao thư chính thức xin gia nhập RCEP. Trong khi đó, mới đây ngày 14 tháng 10 năm 2024 Bộ Thương mại Bangladesh đã có đã gửi thư chấp thuận tới Bộ Ngoại giao nước này về việc Bangladesh tham gia Hiệp định RCEP. Đây là bước đi chính thức đầu tiên của Bangladesh để xin gia nhập Hiệp định RCEP.
Nếu thành công xin gia nhập Hiệp định, Chile sẽ trở thành nền kinh tế đầu tiên ở khu vực Nam Mỹ tham gia Hiệp định RCEP. Là một quốc gia có độ mở nền kinh tế khá lớn, với 33 hiệp định thương mại tự do đã được đàm phán, bao phủ 65 nền kinh tế và chiếm 88% GDP thế giới theo Cục Quản lý Thương mại quốc tế Hoa Kỳ, Chile dự kiến có nhiều cơ hội để tham gia sâu vào Hiệp định RCEP. Nước này đang theo đuổi nền kinh tế thị trường mở và tự do, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài thông qua việc ký kết các thỏa thuận thương mại. Việc Chile gia nhập RCEP dự kiến sẽ mở rộng phạm vi của hiệp định thương mại này đến Nam Mỹ, khu vực mà các nước ASEAN chưa có FTA với nước nào.
Trong khi đó, Bangladesh được cho là sẽ mất đi các ưu đãi về thương mại nước này đang được hưởng kể từ năm 2026 khi nước này ra khỏi danh sách các nước kém phát triển nhất (LDCs). Đây là lí do quan trọng để Bangladesh chủ động xin tham gia Hiệp định RCEP. Theo đánh giá tác động tham gia Hiệp định RCEP của Bộ Thương mại Bangladesh, dự kiến GDP của quốc gia này sẽ tăng 0,26 phần trăm nếu tham gia RCEP.
Trước đó, Hong Kong và Sri Lanka đã thông báo với Ban thư ký ASEAN về mong muốn tham gia Hiệp định RCEP. Lần lượt 2 nền kinh tế này đã nộp đề xuất xin gia nhập bằng văn bản vào tháng 01 năm 2022 đối với Hong Kong và tháng 6 năm 2023 đối với Sri Lanka.
Việc tiếp tục có thêm các nền kinh tế bày tỏ sự quan tâm và xin gia nhập Hiệp định RCEP cho thấy sự công nhận về lợi ích và cơ hội của Hiệp định này tiếp tục được củng cố mặc dù trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trên thế giới và sự chậm lại của thương mại toàn cầu. Bất chấp điều kiện không quá thuận lợi của thương mại thế giới, kim ngạch thương mại nội khối RCEP vẫn tăng 5,6 nghìn tỷ USD năm 2023, tăng nhẹ so với năm 2021 trước thời điểm Hiệp định RCEP có hiệu lực, theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 56 (AEM56) và các hội nghị liên quan diễn ra tại Viêng Chăn, Lào vào tháng 9 năm 2024, các nước thành viên RCEP đã tiếp tục thảo luận và hướng thống nhất hoàn tất Quy trình gia nhập Hiệp định RCEP (AP). Theo quy định tại Hiệp định RCEP, Hiệp định RCEP sẽ cho phép nền kinh tế mới có thể tham gia Hiệp định sau 18 tháng kể từ khi Hiệp định RCEP có hiệu lực tính từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Quy trình gia nhập Hiệp định RCEP sẽ đóng vai trò quan trọng để các nước thành viên Hiệp định RCEP có thể chính thức bắt đầu quá trình xem xét cân nhắc các đơn xin gia nhập Hiệp định RCEP của một số nền kinh tế.