Tổng số bài đăng 28.
Thời gian: 06/08/2021
Đơn vị thực hiện: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) và Ngân hàng Thế giới
Ngành thủy sản của Việt Nam đã nhanh chóng phát triển thành một ngành công nghiệp theo định hướng hàng hóa với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 9 tỷ đô la Mỹ (USD) mỗi năm. Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam về giá trị, chiếm khoảng 4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2018. Năm 2016, ngành này cũng đóng góp vào khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tạo 4,7 triệu việc làm (tương đương khoảng 5% tổng số việc làm trong khu vực chính thức), bao gồm khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp và 2,7 triệu việc làm gián tiếp trong chuỗi giá trị thủy sản. Khoảng 8,5 triệu người (10% tổng dân số) có thu nhập chính trực tiếp hoặc gián tiếp từ nghề cá. Tính đến năm 2019, cả nước đã sản xuất khoảng 8,2 triệu tấn thuỷ sản, trong đó thủy sản khai thác chiếm 46% và thủy sản nuôi trồng chiếm 54%. Về giá trị, tỷ trọng của ngành nuôi trồng thủy sản cao hơn, chiếm khoảng 75% tổng giá trị của ngành.
Là một nước đóng vai trò quan trọng trên thị trường toàn cầu, Việt Nam đã ưu tiên phát triển ngành thủy sản bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam đang gặp một số thách thức, trong đó có các vấn đề liên quan đến khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và an toàn thực phẩm. Những vấn đề này đang được giải quyết để Việt Nam có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và duy trì tính bền vững của ngành thủy sản. Những nỗ lực thay đổi từ số lượng sang chất lượng có thể giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu tăng trưởng của ngành thủy sản và nắm bắt các cơ hội mới theo hướng cạnh tranh hơn, khi thị trường tiêu dùng trở nên nhạy cảm hơn với các tiêu chuẩn thực phẩm và quan tâm hơn về tính bền vững.
Báo cáo phân tích này là một phần của chuỗi các nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới thực hiện nhằm đóng góp vào nỗ lực của Việt Nam thúc đẩy nền kinh tế biển phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Báo cáo này tập trung vào việc xem xét tác động tiềm tàng của thẻ vàng IUU mà Liên minh Châu Âu (EU) đang áp dụng đối với Việt Nam. Phân tích nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết các vấn đề quản lý, điều hành và giám sát do thẻ vàng IUU đặt ra, và quan trọng hơn, là hỗ trợ nghề cá bền vững.
Bản mềm Báo cáo được đính kèm tại đây.