Tổng số bài đăng 286.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường trong khối Hiệp định CPTPP và EVFTA đã tăng trưởng khả quan trong thời gian qua.
Tăng trưởng xuất khẩu sang các nước CPTPP ở mức cao
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang 6 quốc gia thành viên đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP đều đạt mức tăng trưởng cao.
Xuất khẩu sang 6 thị trường này đạt 25,3 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ. Nhập khẩu sang 6 thị trường này đạt 23,9 tỷ USD, tăng 23%. Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu sang CPTPP. Mức xuất siêu trong 8 tháng là 1,44 tỷ USD.
Cả 6 thị trường CPTPP đều đã đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2021. Đây cũng là một tín hiệu rất tích cực thể hiện ta đã làm tốt công tác tận dụng cơ hội từ Hiệp định, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu còn đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19.
Về các thị trường cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sang Canada đạt 3,4 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ; sang Mexico 2,92 tỷ USD, tăng 43,3%; sang Australia đạt 2,8 tỷ USD, tăng 18,8%; New Zealand 425 triệu USD, tăng 36,6%; Singapore đạt 2,5 tỷ USD, tăng 36,6%; Nhật Bản đạt 13,3 tỷ USD, tăng 6,7%.
Trong 8 tháng đầu năm, số bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) CPTPP được cấp là 34.160 bộ, trị giá đạt 1,55 tỷ USD, tăng 67,6% về lượng và 77,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia, CPTPP có hiệu lực đã góp phần không nhỏ trong thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường đối tác. Tuy nhiên, để nâng cao nội lực, tận dụng tốt hơn các ưu đãi từ hiệp định này, doanh nghiệp được khuyến cáo cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn tới việc đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra trong CPTPP. Xác định rõ việc gia nhập CPTPP là động lực để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sức ép cạnh tranh để nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa và năng lực trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh việc khai thác các thị trường trong khối CPTPP, các doanh nghiệp có thể nghiên cứu khả năng tận dụng những ưu đãi, các mối liên kết kinh tế và cơ sở hạ tầng sẵn có của các nước thành viên CPTPP để qua đó đưa hàng Việt Nam thâm nhập và mở rộng sang các thị trường khác thuộc khu vực châu Mỹ. Nếu tận dụng tốt các cơ chế liên kết kinh tế và ưu đãi thương mại do CPTPP mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tìm thấy những cơ hội kinh doanh thuận lợi, đa dạng hóa mặt hàng và thị trường xuất khẩu trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu như hiện nay.
Hiệp định EVFTA thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang EU
Với Hiệp định EVFTA, trong 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu đạt 25,85 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ.
Trong đó, giá trị hàng hóa tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định EVFTA (được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O EUR.1) đạt 5,66 tỷ USD, chiếm 21,9% giá trị xuất khẩu sang EU.
Bộ Công Thương đánh giá, có được kết quả bước đầu này, trước hết phải khẳng định rằng EVFTA là một Hiệp định mà ta đã đàm phán được với đối tác EU những cam kết về mở cửa thị trường sâu, rộng, nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp, được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng, mong đợi.
Bên cạnh đó là tính chủ động trong việc tổ chức triển khai thực thi EVFTA ngay từ những ngày đầu tiên khi Hiệp định được ký kết, trong đó có thể kể đến công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các quy định tại hiệp định, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình cấp C/O, tổ chức các hội thảo tuyên truyền, phổ biến EVFTA…
Từ kết quả này, có thể hy vọng rằng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp trong nước có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp để hàng hóa đáp ứng quy tắc xuất xứ EVFTA, việc khai thác cơ hội từ EVFTA sẽ được thực hiện hiệu quả hơn nữa.
Bộ Công Thương cho biết, EVFTA đã có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Trải qua hơn một năm thực thi hiệp định, trao đổi thương mại song phương giữa hai bên đã có những tăng trưởng tích cực. EVFTA mang lại thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam cải thiện xuất khẩu vào thị trường EU. Đặc biệt, Việt Nam là một trong hai nước ở khu vực Đông Nam Á đã thực hiện FTA với EU, nên có thêm lợi thế cạnh tranh xuất khẩu vào thị trường này.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn cao trong EVFTA nói riêng và ở thị trường EU nói chung buộc doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động tìm hiểu, tuân thủ một cách bài bản, thay vì chỉ tính toán lợi thế cạnh tranh về giá khi EU cắt giảm thuế nhập khẩu. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến những tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, với mong muốn khai thác thị trường EU nhanh và bền vững hơn.
Dù vậy, việc nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng hàng hoá sang thị trường EU luôn được các chuyên gia khuyến cáo. Theo đó, doanh nghiệp luôn tìm hiểu, cập nhật và đáp ứng các thay đổi trong chính sách thương mại của EU. Theo dõi xu hướng về các biện pháp phi thuế quan, đồng thời lưu ý các tiêu chuẩn riêng của nhà nhập khẩu. Cùng đó, chủ động xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực xuất khẩu, đặc biệt là khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, biện pháp vệ sinh dịch tễ vào thị trường EU...
Nguồn: Báo Công Thương