Tổng số bài đăng 289.
Khu vực ASEAN+3 được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 4,2% vào năm 2024 và tăng nhẹ lên 4,4% vào năm 2025 theo bản cập nhật hàng quý mới nhất của Báo cáo Triển vọng Kinh tế Khu vực ASEAN+3 (AREO) thực hiện bởi Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO). Sự phục hồi trong thương mại quốc tế và du lịch, cùng với nhu cầu nội địa vững mạnh được cho là các yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
Dự báo tăng trưởng năm 2024 cho khu vực ASEAN+3 đã được điều chỉnh giảm nhẹ so với dự báo hồi tháng 7 là 4,4%, chủ yếu do các cập nhật thay đổi về Trung Quốc và Việt Nam. Trong số các nền kinh tế Cộng Ba (Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc), tăng trưởng được dự báo sẽ đạt 4,1%, trong khi ASEAN dự kiến sẽ tăng trưởng 4,7% vào năm 2024. AMRO kỳ vọng đà tăng trưởng sẽ tiếp tục vào năm 2025, nhờ nhu cầu bên ngoài ổn định, hoạt động kinh tế nội địa bền vững và điều kiện tài chính thuận lợi hơn.
Kinh tế trưởng của AMRO, ông Hoe Ee Khor, nhấn mạnh những thay đổi gần đây trong bối cảnh mang tính rủi ro đối với khu vực ASEAN+3, đồng thời lưu ý tác động của những biến động thị trường ngắn hặn nhưng có cường độmạnh mẽ gần đây. Ông cũng chỉ ra rằng khả năng gia tăng chính sách bảo hộ thương mại sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là một yếu tố rủi ro đáng kể khác đối với khu vực.
Lạm phát, ngoại trừ ở Lào và Myanmar, được dự báo sẽ giảm xuống 1,9% vào năm 2024, thấp hơn một chút so với dự báo hồi tháng 7 là 2,1%, với áp lực lạm phát nói chung được kiểm soát trong khu vực. Điều này phù hợp với kỳ vọng về xu hướng giảm lạm phát toàn cầu.
Sự suy yếu trong thị trường lao động và chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Mỹ đã làm dấy lên lo ngại về khả năng suy giảm tăng trưởng mạnh hơn ở Mỹ, điều này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của khu vực. Ngoài ra, kết quả bầu cử tháng 11 tại Mỹ có thể ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng kinh tế của ASEAN+3, đặc biệt nếu dẫn đến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng hoặc các xung đột thương mại rộng lớn hơn.
"Ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang hướng tới nới lỏng chính sách tiền tệ và Trung Quốc gần đây đã giới thiệu một loạt các biện pháp kích thích kinh tế, dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho khu vực ASEAN+3 rộng lớn hơn," ông Khor cho biết. "Tuy nhiên, những bất ổn bên ngoài và địa chính trị ngày càng gia tăng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục củng cố khả năng chống chịu và tăng cường hợp tác trong khu vực."
Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) là một tổ chức quốc tế cam kết thúc đẩy sự ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính trong khu vực ASEAN+3, bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng với Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc. AMRO thực hiện giám sát kinh tế, hỗ trợ các sáng kiến tài chính khu vực và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên. Với vai trò là trung tâm tri thức, AMRO cũng thúc đẩy hợp tác tài chính và chia sẻ tri thức trong khu vực ASEAN+3.