Tổng số bài đăng 22.
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Sản xuất nông nghiệp trong tháng 4/2022 tập trung chăm sóc cây trồng vụ đông xuân tại các địa phương phía Bắc; thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân và gieo trồng lúa hè thu tại các địa phương phía Nam. Chăn nuôi đang trong đà hồi phục nhưng gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Thời tiết trong tháng thuận lợi cho việc trồng rừng, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 1,6 triệu m3, tăng 5,9%. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá trong thả nuôi mới và thu hoạch sản phẩm. Dịch Covid-19 đã được kiểm soát nên thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản được khơi thông, mở rộng.
a) Nông nghiệp
Tính đến ngày 15/4, cả nước gieo cấy được 2.990,5 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 99,5% cùng kỳ năm trước, trong đó: Các địa phương phía Bắc gieo cấy 1.077,9 nghìn ha, bằng 99,3%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1.912,6 nghìn ha, bằng 99,6%. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.506,9 nghìn ha, giảm 12,7 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước. Các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1.561,9 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm 81,7% diện tích gieo cấy và bằng 104,3% cùng kỳ năm trước, trong đó: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch được 1.373,5 nghìn ha, chiếm 91,1% và bằng 103,8%.
Tính đến 15/4, các địa phương phía Nam gieo cấy được 395,9 nghìn ha lúa hè thu, bằng 110,7% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 387,5 nghìn ha, bằng 109,8%.
Tính đến giữa tháng Tư, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 375,5 nghìn ha ngô, bằng 101,2% cùng kỳ năm trước; 52,8 nghìn ha khoai lang, bằng 91,7%; 12,6 nghìn ha đậu tương, bằng 89,7%; 110 nghìn ha lạc, bằng 98,8%; 584,4 nghìn ha rau đậu, bằng 101,3%.
Chăn nuôi trâu, bò trong tháng phát triển ổn định. Ước tính đến cuối tháng Tư, tổng số lợn tăng 5,5% so với cùng thời điểm năm 2021; tổng số bò tăng 1,3%; tổng số trâu giảm 1,9%; tổng số gia cầm tăng 2,2%. Tính đến ngày 24/4/2022, cả nước không còn dịch tai xanh và dịch lở mồm long móng; dịch cúm gia cầm còn ở 5 địa phương; dịch tả lợn châu Phi còn ở 27 địa phương và dịch viêm da nổi cục còn ở 4 địa phương chưa qua 21 ngày.
b) Lâm nghiệp
Tháng 4/2022, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước ước đạt 30,3 nghìn ha, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước ước đạt 67,2 nghìn ha, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 34,8 triệu cây, tăng 6,8%; sản lượng gỗ khai thác đạt 4,7 triệu m3, tăng 4,4%; sản lượng củi khai thác đạt 6,2 triệu ste, tăng 0,7%.
Tình hình thiệt hại rừng 4 tháng đầu năm 2022 giảm so cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng ước tính 118,6 ha, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Diện tích rừng bị cháy là 4,3 ha, giảm 77,5%; diện tích rừng bị chặt phá là 114,3 ha, tăng 14,6%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, diện tích rừng bị thiệt hại là 361,8 ha, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Diện tích rừng bị cháy là 13,7 ha, giảm 89,8% (diện tích rừng bị cháy cùng kỳ năm trước là 134 ha); diện tích rừng bị chặt phá là 348,1 ha, giảm 0,4%.
c) Thủy sản
Sản lượng thủy sản tháng Tư ước đạt 736,4 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 380,4 nghìn tấn, tăng 5,8%; sản lượng thủy sản khác ước đạt 356 nghìn tấn, giảm 0,6%
Tính chung 4 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước tính đạt 2.600 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng nuôi trồng đạt 1.368,4 nghìn tấn, tăng 5,3%; sản lượng khai thác đạt 1.231,6 nghìn tấn, giảm 1% (sản lượng khai thác biển đạt 1.177,3 nghìn tấn, giảm 1,1%).
2. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp tháng Tư ước tính tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các doanh nghiệp chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2022 ước tính tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,3% (cao hơn tốc độ tăng 5,8% và 9,6% của cùng kỳ năm 2018 và 2019, những năm chưa có dịch Covid-19); sản xuất và phân phối điện tăng 2,8%; ngành khai khoáng tăng 2,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,4%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, IIP ước tính tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,5%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2021 tăng 12,1%), đóng góp 6,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 2,6%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,1%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp[1]
Trong tháng Tư, hoạt động khởi sự kinh doanh khởi sắc mạnh mẽ. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất từ trước đến nay với 15 nghìn doanh nghiệp, nếu tính cả số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thì số doanh nghiệp tham gia thị trường trong tháng Tư gấp hơn 2 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 60,6% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 17,5%. Kết quả trên cho thấy các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Quốc hội và Chính phủ đúng hướng và hiệu quả, tạo niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Trong tháng Tư, cả nước có 15 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 164,1 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 104,8 nghìn lao động, tăng 4,9% về số doanh nghiệp, giảm 15,3% về vốn đăng ký và tăng 11,7% về số lao động so với tháng 03/2022. So với cùng kỳ năm trước, tăng 0,9% về số doanh nghiệp, giảm 8,8% về số vốn đăng ký và tăng 10,7% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 10,9 tỷ đồng, giảm 19,2% so với tháng trước và giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có 7.034 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 63,6% so với tháng trước và tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, cả nước có 49,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 635,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 348,2 nghìn lao động, tăng 12,3% về số doanh nghiệp, tăng 1,2% về vốn đăng ký và tăng 2,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 12,8 tỷ đồng, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính cả 1.345,5 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 17,1 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2022 là 1.980,8 nghìn tỷ đồng, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 30,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 60,6% so với cùng kỳ năm 2021), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2022 lên 80,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 20,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cũng trong tháng Tư, có 5.391 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 81,1% so với tháng trước và tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021; có 3.762 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 52,1% và giảm 32,9%; có 1.227 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% và giảm 20,4%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 41 nghìn doanh nghiệp, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm trước; 15 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 8,7%; gần 5,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 17,5%.
4. Đầu tư
Trong tháng Tư, các Bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước tăng 9,1% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 5,92 tỷ USD, là giá trị cao nhất của 4 tháng các năm 2018-2022, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 4/2022 ước đạt 33,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 109,6 nghìn tỷ đồng, bằng 20,6% kế hoạch năm và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 20% và tăng 18,4%). Cụ thể: Vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý đạt 18,4 nghìn tỷ đồng, bằng 18,1% kế hoạch năm và tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý đạt 91,2 nghìn tỷ đồng, bằng 21,2% và tăng 8%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,81 tỷ USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm trước.
– Vốn đăng ký cấp mới có 454 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 3,7 tỷ USD, tăng 0,7% về số dự án và giảm 56,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
– Vốn đăng ký điều chỉnh có 323 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 5,29 tỷ USD, tăng 92,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5,85 tỷ USD, chiếm 65,1% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,77 tỷ USD, chiếm 19,7%; các ngành còn lại đạt 1,37 tỷ USD, chiếm 15,2%.
– Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.026 lượt với tổng giá trị góp vốn 1,82 tỷ USD, tăng 74,5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó có 429 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 899 triệu USD và 597 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 928,4 triệu USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2022 có 34 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 285,8 triệu USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước; có 9 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 41,9 triệu USD, giảm 89,6%. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 327,7 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.
5. Hoạt động thương mại, vận tải và du lịch
Trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 242,19 tỷ USD[2], tăng 16,1%; vận chuyển hàng hóa tăng 4,8%, luân chuyển hàng hóa tăng 12%; khách quốc tế đến nước ta tăng 184,7%. Riêng vận tải hành khách giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hành khách giảm 0,7%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tư năm 2022 ước đạt 455,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.777,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,3% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7,2%).
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 3/2022 đạt 34,71 tỷ USD, cao hơn 651 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 4/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 33,26 tỷ USD, giảm 4,2% so với tháng trước và tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 122,36 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 31,77 tỷ USD, tăng 21,6%, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 90,59 tỷ USD, tăng 14,7%, chiếm 74%. Trong 4 tháng đầu năm 2022 có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 63,1%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,3%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%, giảm 0,5 điểm phần trăm; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,8%, giảm 0,5 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,9%, tăng 0,6 điểm phần trăm.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 3/2022 đạt 32,66 tỷ USD, thấp hơn 9 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 4/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 32,19 tỷ USD, giảm 1,5% so với tháng trước và tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 119,83 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 40,97 tỷ USD, tăng 14,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 78,86 tỷ USD, tăng 16,4%. Trong 4 tháng đầu năm 2022 có 22 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 81,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,9%, tăng 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 45,2%, giảm 0,46 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48,8%, tăng 0,5 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,1%, giảm 0,04 điểm phần trăm.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 35,7 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 37,1 tỷ USD. 4 tháng đầu năm 2022 xuất siêu sang EU ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 18 tỷ USD, tăng 2%; nhập siêu từ Hàn Quốc 15,2 tỷ USD, tăng 58,3%; nhập siêu từ ASEAN 5,8 tỷ USD, tăng 15,4%; nhập siêu từ Nhật Bản 790 triệu USD, tăng 57,7%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng Ba xuất siêu 2,05 tỷ USD[3]; quý I xuất siêu 1,46 tỷ USD; tháng Tư ước tính xuất siêu 1,07 tỷ USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,53 tỷ USD[4] (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,5 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,73 tỷ USD.
Vận tải hành khách tháng 4/2022 ước đạt 358,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 12,7% so với tháng trước và luân chuyển 17,2 tỷ lượt khách.km, tăng 19,8%. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, vận tải hành khách đạt 1.224,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 3%) và luân chuyển 56,1 tỷ lượt khách.km, giảm 0,7% (cùng kỳ năm trướcgiảm 2,9%).
Vận tải hàng hóa tháng 4/2022 ước đạt 155,4 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 4,2% so với tháng trước và luân chuyển 33,6 tỷ tấn.km, tăng 1,4%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, vận tải hàng hóa đạt 628,3 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 11,2%) và luân chuyển 129,9 tỷ tấn.km, tăng 12% (cùng kỳ năm trước tăng 11,2%).
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 4/2022 đạt 101,4 nghìn lượt người, gấp 2,4 lần so với tháng trước và gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 192,4 nghìn lượt người, tăng 184,7% so với cùng kỳ năm trước.
6. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tư tăng nhẹ 0,18% so với tháng trước; tăng 2,09% so với tháng 12/2021 và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng theo giá nguyên liệu đầu vào sản xuất; dịch vụ giáo dục tăng trở lại tại một số địa phương sau thời gian miễn giảm học phí; giá ăn uống ngoài gia đình và dịch vụ du lịch tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng Tư tăng.
Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 0,89% của 4 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 4 tháng đầu năm 2017-2020[5]; lạm phát cơ bản tăng 0,97%.
Lạm phát cơ bản[6] tháng 4/2022 tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 0,97% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá vàng trong nước biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 4/2022 tăng 0,73% so với tháng trước; tăng 12,28% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 4 tháng đầu năm 2022 tăng 5,65%. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4/2022 tăng 0,07% so với tháng trước và giảm 0,64% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 4 tháng đầu năm 2022 giảm 0,66%.
7. Một số tình hình xã hội
Theo kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư, trong tháng 4 năm nay tỷ lệ hộ có thu nhập giảm so với cùng kỳ năm trước là 24,6% (trong đó 85,5% hộ gia đình đánh giá thu nhập giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19); tỷ lệ hộ có thu nhập không thay đổi là 43,6% và tỷ lệ hộ có thu nhập tăng là 31,8%.
Các gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19 tiếp tục được thực hiện. Tính đến ngày 25/4/2022, gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 của Chính phủ đạt hơn 43,2 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho 36,6 triệu lượt người lao động và 381,7 nghìn đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh; gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ đã giải ngân hơn 38,4 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho trên 13 triệu lượt lao động và 346,7 nghìn đơn vị/hộ kinh doanh sử dụng lao động.
Số ca mắc mới và tử vong do dịch Covid-19 ở hầu hết các khu vực trên thế giới giảm[7], nhiều nước đang chủ động thích ứng và đẩy nhanh quá trình trở lại cuộc sống trước đại dịch. Tại Việt Nam, tình hình dịch đã có những diễn biến tích cực, có xu hướng giảm mạnh ở cả bốn tiêu chí: số ca mắc trong cộng đồng, số ca tử vong, số ca đang điều trị tại bệnh viện, số ca nặng, nguy kịch. Tính đến 16h00 ngày 26/4/2022, Việt Nam có 10.620,2 nghìn trường hợp mắc, trong đó 9.116,2 nghìn trường hợp đã được chữa khỏi và hơn 43 nghìn trường hợp tử vong.
Từ ngày 21/4/2022 nhiều địa phương trên cả nước đã đồng loạt tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tính đến ngày 25/4/2022, tổng số liều vắc xin phòng Covid-19 đã được tiêm là 213.061,7 nghìn liều, trong đó tiêm mũi 1 là 81.210,6 nghìn liều; tiêm mũi 2 là 77.079,1 nghìn liều; tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại và mũi 3 liều cơ bản) là 54.772 nghìn liều.
Tai nạn giao thông trên địa bàn cả nước trong 4 tháng đầu năm 2022 đã xảy ra 3.808 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 2.703 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 1.105 vụ va chạm giao thông, làm 2.276 người chết, 1.327 người bị thương và 1.104 người bị thương nhẹ. Bình quân 1 ngày trong 4 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 31 vụ tai nạn giao thông, gồm 22 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 9 vụ va chạm giao thông, làm 19 người chết, 11 người bị thương và 9 người bị thương nhẹ.
Thiên tai xảy ra trong 4 tháng đầu năm 2022 làm 19 người chết và mất tích, 11 người bị thương; 2,6 nghìn ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; 119,9 nghìn ha lúa và 16,4 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính hơn 3.593 tỷ đồng, gấp 41,6 lần cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 4/2022, cả nước xảy ra 134 vụ cháy, nổ, làm 11 người chết và 5 người bị thương, thiệt hại ước tính 22,5 tỷ đồng, tăng 111,4% so với tháng trước và giảm 70,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn cả nước xảy ra 580 vụ cháy, nổ, làm 34 người chết và 35 người bị thương, thiệt hại ước tính 79,3 tỷ đồng, giảm 66,7% so với cùng kỳ năm trước./.
Xem Biểu Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022 tại đây.
[1] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 22/4/2022.
[2] Ước tính tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu tháng 4/2022 do Tổng cục Hải quan cung cấp ngày 26/4/2022. Tổng cục Thống kê ước tính trị giá xuất, nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu tháng 4/2022 dựa trên số liệu sơ bộ về trị giá xuất, nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu đến hết ngày 15/4/2022 do Tổng cục Hải quan cung cấp.
[3] Ước tính tháng Ba xuất siêu 1,39 tỷ USD.
[4] Ước tính 4 tháng đầu năm 2022 xuất siêu sang Hoa Kỳ 30,9 tỷ USD.
[5] Tốc độ tăng CPI bình quân 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2017-2020 lần lượt là: tăng 4,8%; tăng 2,8%; tăng 2,71%; tăng 4,9%.
[6] CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục.
[7] Tính đến 16h00 ngày 26/4/2022 trên thế giới có 510.138 nghìn trường hợp mắc Covid-19 (6.246 nghìn trường hợp tử vong).
Nguồn: Tổng Cục Thống Kê