Tổng số bài đăng 35.
Tọa đàm do Nhật Bản – Chủ tịch Hội đồng CPTPP năm 2021 – chủ trì tổ chức và thuộc chương trình làm việc của Ủy ban Cạnh tranh và Thuận lợi hóa kinh doanh – một trong các Ủy ban chuyên trách được thành lập trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP với vai trò giám sát và thực thi hiệu quả các cam kết của Hiệp định.
Đoàn đại biểu của Việt Nam tham dự tọa đàm bao gồm đại diện từ Bộ Công Thương (cơ quan đầu mối thực thi Hiệp định CPTPP) và Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Mục tiêu của tọa đàm là: (i) chia sẻ kinh nghiệm và cách tiếp cận về phương pháp đánh giá tác động thực tế của Hiệp định CPTPP; (ii) xác định và tìm phương hướng xử lí đối với các thách thức có liên quan trong quá trình đánh giá tác động; và (iii) thực thi các quy định có liên quan trong Hiệp định CPTPP, cụ thể là Điều 27.2.1 (b).[1]
Tọa đàm bao gồm 02 Phiên chính. Tại Phiên đầu tiên, đại diện 06 nước thành viên CPTPP (Ca-na-đa, Nhật Bản, Niu Di-lân, Mê-hi-cô, Xinh-ga-po và Việt Nam) lần lượt cung cấp thông tin chuyên sâu về các kết quả và tác động thực tế của CPTPP căn cứ các nghiên cứu định lượng đã, đang và dự kiến được triển khai ở cấp quốc gia. Trên cơ sở các nội dung trình bày ở Phiên đầu tiên, các khách mời tham gia Phiên thứ hai (thảo luận bàn tròn) tiếp tục trao đổi kĩ hơn về các thách thức đặt ra trong quá trình nghiên cứu, đánh giá tác động của Hiệp định, và giải pháp xử lí các vấn đề này. Tọa đàm kết thúc bằng một phần thảo luận mở cho tất cả những người tham dự.
Các chủ đề được các thành viên CPTPP trình bày bao gồm: (1) “Tác động thực tế của CPTPP” (Ca-na-đa); (2) “CPTPP đã thay đổi như thế nào - Kết quả phân tích sơ bộ” (Nhật Bản); (3) “Quá trình thực thi CPTPP và các lợi ích được kì vọng trong tương lai” (Mê-hi-cô); (4) “Cách tiếp cận dự kiến của Niu-Di-lân về việc đánh giá tác động kinh tế, bền vững và bao trùm của CPTPP” (Niu-Di-lân); (5) “Tận dụng các điều khoản về hàng hóa trong CPTPP” (Xinh-ga-po); (6) “Đánh giá tác động kinh tế của CPTPP tại Việt Nam” (Việt Nam).
Phát biểu tại tọa đàm, Việt Nam tập trung nêu bật kết quả một nghiên cứu cấp quốc gia về tác động của các cam kết mở cửa thị trường trong CPTPP đối với tất cả các lĩnh vực (hàng hóa, dịch vụ và đầu tư). Một số mô hình do OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) xây dựng được sử dụng để đánh giá tác động của các cam kết nói trên, bao gồm: (i) Chỉ số Thuận lợi hóa Thương mại (Trade Facilitation Index); (ii) Chỉ số Hạn chế Thương mại Dịch vụ (Service Trade Restrictiveness Index; (iii) Chỉ số Hạn chế FDI (FDI Restrictiveness Index). Bài trình bày của Việt Nam trong sự kiện này được các nước thành viên CPTPP ghi nhận và đánh giá cao, góp phần vào thành công chung của sự kiện.
Vui lòng tại Chương trình của Tọa đàm tại đây.
Thời gian: 08:00 08/07/2021
Địa điểm: (webinar) trực tuyến