Tổng số bài đăng 316.
Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là một bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy thương mại toàn cầu thông qua việc giảm bớt các rào cản thương mại, đơn giản hóa và hiện đại hóa các quy trình hải quan. Được ký kết vào tháng 12 năm 2013 tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 ở Bali, Indonesia, Hiệp định chính thức có hiệu lực vào ngày 22 tháng 2 năm 2017 sau khi được ít nhất 2/3 các quốc gia thành viên phê chuẩn. Đây là hiệp định đa phương đầu tiên được thông qua kể từ khi WTO được thành lập vào năm 1995.
Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại (Trade Facilitation Agreement - TFA) được thiết kế nhằm: (i) Giảm chi phí và thời gian giao dịch thương mại, từ đó tăng tính cạnh tranh và khả năng hội nhập quốc tế của các nước thành viên, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển; (ii) Đơn giản hóa, chuẩn hóa và minh bạch hóa các quy trình hải quan và thông quan, (iii) Giảm thiểu các thủ tục không cần thiết và hạn chế các biện pháp hành chính gây cản trở thương mại.
Theo quy định tại Phần II của Hiệp định TFA, các cam kết của Hiệp định trên cơ sở rà soát thực tiễn quản lý của Thành viên được phân thành 3 nhóm cam kết: Cam kết nhóm A - thực hiện ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực; Cam kết nhóm B - cần thêm thời gian để chuẩn bị thực hiện sau khi Hiệp định có hiệu lực; Cam kết nhóm C - cần thêm thời gian chuẩn bị và hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện sau khi Hiệp định có hiệu lực. Có thể thấy, Hiệp định này cho phép các nước đang và kém phát triển đặt ra kế hoạch thực thi TFA trên cơ sở năng lực của các nước.
Hiện nay, 06 nước ASEAN gồm Bru-nây, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xinh-ga-po và Thái Lan đã thực thi đầy đủ các nghĩa vụ của TFA, trong khi đó, 04 nước ASEAN còn lại gồm Cam-pu-chia, Lào, My-an-ma và Việt Nam dự kiến sẽ thực thi đầy đủ Hiệp định này trong giai đoạn 2025 – 2028.
Theo thống kê của Ban Thư ký ASEAN, tính đến tháng 10 năm 2024, tình hình thực hiện cam kết của nhóm 04 nước ASEAN còn lại như sau:
- Myanmar đã tăng tỷ lệ thực hiện nhóm B từ 54,6% lên 57,6% và nhóm C giảm từ 17,6% xuống 13%, nhờ chuyển một số điều khoản từ nhóm C sang nhóm B.
- Lào cũng chuyển 11 điều khoản từ nhóm C sang nhóm B, tăng tỷ lệ nhóm B từ 8,4% lên 39,1%.
- Campuchia đạt tỷ lệ thực hiện Hiệp định TFA là 92,9% sau khi thông báo thực hiện thêm hai điều khoản (điều khoản Thông báo và điều khoản Các biện pháp tạo thuận lợi thương mại đối với Doanh nghiệp ưu tiên).
- Với Việt Nam, tỷ lệ thực hiện Hiệp định TFA đã đạt 94,5% và 5,5% các cam kết còn lại (gồm 03 điều khoản thuộc nhóm C là: điều khoản Thủ tục kiểm định, điều khoản Quản lý rủi ro, điều khoản Phối hợp của cơ quan quản lý biên giới) dự kiến sẽ được thực hiện vào cuối năm 2024.
Dựa trên số liệu này, có thể thấy các nước ASEAN đều ghi nhận tiến độ tích cực trong việc thực hiện Hiệp định TFA, tạo cơ sở để tạo thuận lợi thương mại nội khối nói riêng và giữa ASEAN với thế giới nói chung. Để thúc đẩy việc thực thi đầy đủ Hiệp định này ở cả 10 nước ASEAN theo đúng lộ trình đề ra, Ban Thư ký ASEAN sẽ hỗ trợ các nước CLM kêu gọi các dự án nâng cao năng lực trong thời gian tới.
Đối với Việt Nam, việc tham gia vào Hiệp định TFA đã thúc đẩy Việt Nam cải thiện hạ tầng hải quan, minh bạch hóa quy trình và giảm chi phí thương mại, từ đó giúp hàng hóa và dịch vụ Việt Nam dễ dàng tiếp cận các thị trường toàn cầu.