Tổng số bài đăng 316.
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc, cũng như Việt Nam và Nhật Bản, đều khởi đầu từ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đa phương ASEAN+1, sau đó được mở rộng thành các FTA song phương. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA) là một trong những hiệp định thương mại tự do đầu tiên mà Việt Nam tham gia, dưới vai trò là thành viên của ASEAN ký kết với đối tác ngoại khối ASEAN. Các FTA đa phương ASEAN+1 là cơ sở, nền tảng để phát triển để Việt Nam xây dựng các Hiệp định Thương mại Tự do song phương với những đối tác sẽ đem lại lợi ích thương mại sâu sắc hơn nữa, cụ thể là Hàn Quốc và Nhật Bản (VKFTA và VJCEP). Sự kết hợp giữa các FTA song phương và đa phương này đã tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho quan hệ thương mại giữa các bên.
AKFTA và VKFTA
Việt Nam đã tận dụng hiệu quả sự cộng hưởng giữa FTA song phương và FTA đa phương ASEAN+1. Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA), có hiệu lực từ năm 2007, là FTA đa phương giữa ASEAN và Hàn Quốc. Trong những năm đầu thực hiện, Hiệp định AKFTA đã đem lại những tín hiệu thương mại tích cực nhưng vẫn còn khiêm tốn. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc tăng từ 1,2 tỷ USD năm 2007 lên thêm 500 triệu USD năm 2008 và 300 triệu USD năm 2009.
Tuy nhiên, giai đoạn tham gia Hiệp định AKFTA này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tích lũy kinh nghiệm thực tiễn trong xuất khẩu sang thị trường FTA. Doanh nghiệp không chỉ tận dụng ưu đãi thuế quen mà còn làm quen với các hàng rào kỹ thuật, cách đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá phù hợp của quốc tế.
Nhờ những kinh nghiệm quý báu này, Việt Nam đã chủ động triển khai đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương với Hàn Quốc (VKFTA), có hiệu lực từ ngày 20/12/2015. Năm đầu tiên thực thi VKFTA (2016), xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 11,42 tỷ USD, tăng mạnh lên 14,82 tỷ USD vào năm 2017 (tăng 29,7%). Đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 19 tỷ USD, gấp 1,8 lần so với năm 2016. Năm 2022, thương mại hai chiều Việt Nam-Hàn Quốc đạt gần 87 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 24,2 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2021. Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều vẫn duy trì ở mức cao, đạt 79,43 tỷ USD.
Đáng chú ý, Hàn Quốc liên tục là một trong những thị trường có tỷ lệ sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi cao nhất. Năm 2021, tỷ lệ này đạt 51%, với kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O trên 10 tỷ USD, và tiếp tục tăng lên 12,4 tỷ USD vào năm 2022. Năm 2022, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đã lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản để giữ vị trí đối tác thương mại thứ 3 của Hàn Quốc.
Doanh nghiệp Việt Nam đã nắm vững quy tắc xuất xứ, với các tiêu chí linh hoạt của AKFTA và VKFTA. Thêm vào đó, các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tại Việt Nam áp dụng nguyên tắc cộng gộp xuất xứ, tạo thuận lợi cho việc sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc.
AJCEP và VJEPA
Với Nhật Bản, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP), có hiệu lực từ ngày 1/12/2008, và Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), có hiệu lực từ ngày 1/10/2009, đã thúc đẩy quan hệ thương mại song phương. Nhờ sự phối hợp giữa AJCEP và VJEPA, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Nhật Bản tăng trung bình 10% mỗi năm kể từ năm 2009.
Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt trên 42 tỷ USD, chiếm hơn 6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đến năm 2022, con số này tăng lên gần 50 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, trong đó xuất khẩu đạt 24,2 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm trước. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản tiếp tục duy trì ở mức 23,31 tỷ USD. Trong một thập kỷ qua, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản tăng lên nhanh chóng, từ 14,7 tỷ USD năm 2014 đến 23,3 tỷ USD năm 2023.
Đáng chú ý, cơ cấu hàng xuất khẩu sang Nhật Bản đã có sự dịch chuyển đáng kể từ các sản phẩm may mặc, giày dép, nông sản sang các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo. Năm 2022, các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 76% tổng giá trị xuất khẩu, với các nhóm hàng chính bao gồm phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị, điện tử và phụ tùng.
Tỷ lệ sử dụng C/O theo các FTA đa phương và song phương với Nhật Bản đạt mức cao, chiếm khoảng 37%, chỉ đứng sau Hàn Quốc.
Điểm chung và triển vọng
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam-Hàn Quốc và Việt Nam-Nhật Bản có hai đặc điểm chung: (1) Doanh nghiệp Việt Nam tận dụng rất tốt ưu đãi thuế quan thông qua C/O; (2) Xuất khẩu của Việt Nam chuyển dịch từ khai thác tài nguyên sang công nghiệp chế biến, chế tạo. Những đặc điểm này được thúc đẩy nhờ các FTA không chỉ giảm thuế mà còn mở cửa cho đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản vào Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam đã xây dựng chiến lược xuất khẩu thông qua các kênh phân phối của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Điển hình, Bộ Công Thương đã phối hợp với Lotte Mart và AEON để đưa hàng Việt vào hệ thống bán lẻ tại Hàn Quốc và Nhật Bản, đặt mục tiêu xuất khẩu qua hệ thống AEON đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
Dư địa tăng trưởng tại các thị trường FTA này vẫn còn rất lớn. Việc tận dụng và cộng hưởng FTA song phương và đa phương với Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.