Tổng số bài đăng 288.
Khi Malaysia chuẩn bị đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2025, nước này đươc cho là nên ưu tiên các biện pháp lấy con người làm trung tâm và tăng cường thương mại và đầu tư cũng như phát triển bền vững. Trọng tâm chiến lược này nhằm tăng cường ổn định kinh tế và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng của ASEAN, thúc đẩy một nền kinh tế khu vực tích hợp và năng động hơn.
Tiến sĩ Jasmine Begum, Giám đốc khu vực ASEAN về pháp lý và các vấn đề chính phủ của Microsoft, nhấn mạnh vai trò quan trọng của Malaysia trong ASEAN và trên trường quốc tế. Bà nêu bật tiềm năng gia tăng sự di chuyển thể nhân và các doanh nghiệp nhỏ, trích dẫn các ví dụ thành công như Grab Malaysia và Gojek của Indonesia, đã mở rộng hoạt động xuyên quốc gia trong ASEAN và toàn cầu. Sự di chuyển này không chỉ là về hàng hóa và thương mại mà còn là sự di chuyển của con người và các doanh nghiệp nhỏ, có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới trong khu vực.
Tiến sĩ Oh Ei Sun, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Các vấn đề quốc tế Singapore, chỉ ra rằng thương mại nội khối ASEAN hiện chỉ chiếm một phần tư tổng thương mại giữa các nước ASEAN và các cường quốc kinh tế lớn trên thế giới. Ông đề xuất rằng việc tăng gấp đôi thương mại nội khối này sẽ là một thành tựu đáng kể cho Malaysia trong nhiệm kỳ chủ tịch của mình. Sự gia tăng này không chỉ tăng cường quan hệ kinh tế trong ASEAN mà còn giảm sự phụ thuộc của khu vực vào các thị trường bên ngoài, từ đó củng cố khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN.
Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia, Zafrul Tengku Abdul, nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên ASEAN để đảm bảo ổn định kinh tế. Ông nêu rõ kế hoạch của Malaysia nhằm định vị ASEAN như một trung tâm kinh tế số, bao gồm việc tăng cường quan hệ với các đối tác thương mại quan trọng như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài ra, Malaysia còn thấy tiềm năng mở rộng hợp tác với các quốc gia BRICS, kêu gọi tiếp tục thảo luận để đạt được định hướng chung cho sự hợp tác với các nền kinh tế mới nổi này.
Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia, Zafrul Tengku Abdul
Một trong những sáng kiến chính được cả Tiến sĩ Jasmine và Bộ trưởng Zafrul nhấn mạnh là Hiệp định Khung về Kinh tế số ASEAN (DEFA). Hiệp định này nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số của khu vực lên 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Tiến sĩ Jasmine đề xuất rằng Malaysia có thể tập trung vào việc tăng cường chuyển đổi số nhằm tạo ra các cơ hội kinh tế dễ tiếp cận cho mọi người, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bao trùm.
Bộ trưởng Zafrul cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy thương mại điện tử cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Bằng cách tích hợp và mở rộng tới các thị trường mới, các doanh nghiệp này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa thương mại của ASEAN. Cách tiếp cận này phù hợp với mục tiêu bao quát hơn của việc thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2045 nhằm duy trì tăng trưởng và thiết lập ASEAN là khu vực tiên phong trong công nghệ và chuyển đổi số.
Việc nhấn mạnh vào các biện pháp lấy con người làm trung tâm là một chủ đề xuyên suốt trong cách tiếp cận của Malaysia đối với nhiệm kỳ Chủ tịch sắp tới. Tiến sĩ Oh Ei Sun nhấn mạnh rằng Malaysia nên áp dụng nhiêu hơn cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, thể hiện hợp tác ASEAN và các sáng kiến khác có thể trực tiếp mang lại lợi ích cho cuộc sống của người dân hàng ngày. Cách tiếp cận này dự kiến sẽ tăng cường sự ủng hộ của công chúng đối với các sáng kiến của ASEAN và thúc đẩy tinh thần đoàn kết và hợp tác khu vực.
Trước đó, tại Hội nghị Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 24 (AECC 24) diễn ra ra vào ngày 07 tháng 10 năm 2024 tại Viêng Chăn, Lào, Malaysia đã thông báo chủ đề của năm Chủ tịch ASEAN 2025 là: Bao trùm và Bền vững, trong đó 04 định hướng chiến lược dự kiến của kênh kinh tế bao gồm: (i) Thúc đẩy thương mại và đầu tư; (ii) Xây dựng lộ trình bao trùm và bền vững; (iii) Thúc đẩy hội nhập và kết nối về kinh tế; (iv) Xây dựng một ASEAN kinh tế số tự cường.