Tổng số bài đăng 271.
Ngày 05/11, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường châu Á nhằm chia sẻ về tiềm năng và lợi thế của các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam trong khu vực cũng như tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường khu vực châu Á.
Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả đến từ Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Thương vụ Việt Nam tại Indonesia và Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Hội thảo giúp doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường khu vực châu Á. Ảnh: Phương Cúc
Tại Hội thảo, ông Quyền Anh Ngọc - Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đã chia sẻ tổng quan các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong khuôn khổ ASEAN và cụ thể về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), từ đó đưa ra một số lưu ý dành cho doanh nghiệp. Ông Ngọc cho biết: hiện nay Việt Nam đang tham gia vào 19 FTA cả song phương và khu vực với 16 FTA đã có hiệu lực, trong đó có 8 FTA ký trong khuôn khổ ASEAN. Hiệp định RCEP là hiệp định được ký kết giữa 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
Tại Hiệp định RCEP, Việt Nam cam kết xóa bỏ, cắt giảm thuế nhập khẩu, không cam kết đối với thuế xuất khẩu.Ngược lại, các nước ASEAN xoá bỏ thuế quan cho Việt Nam khoảng 85,9%-100% số dòng thuế; lộ trình dài nhất từ 15-20 năm kể từ khi FTA có hiệu lực. Ngoài ra, các nước đối tác khác ASEAN xoá bỏ thuế quan cho Việt Nam khoảng 90,7%-98,3% số dòng thuế; lộ trình dài nhất từ 15-20 năm kể từ khi FTA có hiệu lực.
Điểm khác biệt về thuế của hiệp định RCEP so với các FTA khác là các nước áp dụng cam kết thuế quan khác nhau với các đối tác khác nhau cho một số mặt hàng trong khi các FTA khác chỉ áp dụng một biểu cam kết thuế quan.
Cũng theo ông Quyền Anh Ngọc, một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu được các nước xóa bỏ thuế quan ngay sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực gồm thủy sản, thịt, rau quả, nông sản. Bên cạnh đó, một số loại máy móc, trang thiết bị cơ khí; dụng cụ phụ tùng, máy móc, máy vi tính và thiết bị linh kiện điện tử. Ngoài ra, còn có một số nhóm hàng giày, dép và bộ phận, phụ kiện của giày, dép; nguyên liệu dệt, hàng dệt may, quần áo, hóa chất.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng, để tận dụng tối đa lợi ích do các FTA đem lại, doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm vững các cam kết của Việt Nam tại FTA liên quan đến lĩnh vực, ngành hàng và thị trường kinh doanh của mỗi doanh nghiệp; chủ động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia chuỗi cung ứng mới, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp. Bằng cách nắm bắt lợi thế và chủ động thích ứng, hàng hóa Việt Nam có thể khẳng định vị thế trên thị trường xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Với mục tiêu tận dụng ưu đãi từ các FTA để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Indonesia, ông Phạm Thế Cường - Tham tán Thương mại tại Indonesia - đã đưa ra một số phân tích cụ thể để thâm nhập thị trường này.
Thị trường Indonesia được đánh giá có những đặc điểm thuận lợi như văn hóa Á Đông gần gũi, thị trường dễ tính, khoảng cách địa lý gần giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển, và hàng hóa Việt Nam có lợi thế so sánh trong nhiều nhóm hàng nông, thủy sản. Tuy nhiên, thị trường này cũng đặt ra một số thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam như biện pháp bảo hộ cao, hạn ngạch, yêu cầu về giấy phép nhập khẩu, chứng nhận Halal, tiêu chuẩn quốc gia (SNI) và quy định về cảng nhập khẩu. Indonesia cũng thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời sở hữu địa hình chia cắt với nhiều đảo, dẫn đến chi phí logistics gia tăng.
Nhận thức rõ những thách thức này, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường Indonesia phù hợp, tận dụng lợi thế của FTA, tìm hiểu kỹ các quy định và tiêu chuẩn của thị trường, đồng thời nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm để tăng sức cạnh tranh. Ví dụ, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp cần chủ động xin giấy chứng nhận Halal Indonesia, chứng nhận tiêu chuẩn quốc gia SNI. Cùng đó, chủ động liên hệ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan Việt Nam trong trường hợp Indonesia khởi xướng các biện pháp phòng vệ thương mại có liên quan tới sản phẩm của doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
Nhằm tránh bị lừa đảo hay tranh chấp thương mại, ông Phạm Thế Cường khuyến nghị, doanh nghiệp cần cảnh giác khi thấy việc đàm phán giá cả, hợp đồng đang diễn ra nhanh chóng, ít mặc cả, chấp nhận giá cao; không cung cấp hoặc cung cấp giấy tờ pháp lý doanh nghiệp dưới nhiều pháp nhân khác nhau. Do đó, trước khi ký hợp đồng doanh nghiệp cần yêu cầu đối tác Indonesia phải cung cấp chứng nhận/sổ đăng ký kinh doanh (NIB) và mã số thuế (TIN).
Mặt khác, thực hiện thẩm tra đối tác thông qua Thương vụ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia, các hiệp hội của Indonesia, Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam CIC. Đặc biệt, doanh nghiệp lưu ý không chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản cá nhân. Điều khoản hợp đồng chặt chẽ, lưu ý điều khoản bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp mình; trong đó, phải có điều khoản về tranh chấp, khiếu nại.
Bên cạnh các nội dung liên quan đến xuất nhập khẩu truyền thống, TS. Khổng Quốc Minh, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng lưu ý một số vấn đề thường gặp và cách xử lý đối với những vấn đề phát sinh liên quan đến sở hữu trí tuệ (SHTT) của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường châu Á đã ký kết FTA. Theo đó, doanh nghiệp cần chủ động trong việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT của mình khi xuất khẩu. Tôn trọng quyền SHTT của người khác và tuân thủ các quy định về SHTT tại thị trường xuất khẩu. Để tiếp cận nhanh vấn đề SHTT và xử lý phát sinh bảo hộ quyền SHTT (nếu có) tại thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp nên có thói quen sử dụng dịch vụ đại diện SHTT tại nước ngoài. Qua đó, hạn chế được rủi ro về quyền SHTT và nâng cao cơ hội thành công trên thị trường quốc tế.