Tổng số bài đăng 243.
Chia sẻ bên lề tọa đàm "Tối đa hóa cơ hội xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Australia thông qua các Hiệp định Thương mại tự do", do Bộ Công Thương phối hợp cùng Đại sứ quán Australia tổ chức ngày 6/9, ông Huỳnh Quang Thanh - Giám đốc Công ty đồ gỗ Hiệp Long cho biết: Ngoài các thị trường chính là EU, Mỹ, Trung Đông, Nhật Bản, doanh nghiệp đang tìm cơ hội xuất khẩu qua thị trường như Australia.
Đánh giá về tiềm năng thị trường này, ông Thanh cho biết, đây là thị trường có nền kinh tế tốt, khả năng chi trả cao. “Thực tế, đã có những khách hàng của doanh nghiệp tại EU, họ mua hàng và bán ngược lại qua Australia. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường này vẫn có”, ông Thanh chia sẻ.
Tương tự đồ gỗ, nhiều doanh nghiệp thủy sản cũng đẩy mạnh khi thác thị trường Australia. Bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kể từ khi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi vào thực thi, các doanh nghiệp thủy sản đã tận dụng tốt lợi thế về thuế quan để xuất khẩu sang Australia. Tuy nhiên, không tránh khỏi xu hướng chung của thị trường thì 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Australia giảm 23% so với cùng kỳ. Dù vậy so với những thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc thì thị trường này vẫn có nhiều điểm sáng. Kỳ vọng cuối năm thị trường sẽ khởi sắc hơn.
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương, cho biết, Australia vào năm 2022 đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thứ 10 của Australia.
7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Australia cũng chịu ảnh hưởng nhẹ bởi xu thế thương mại chậm lại do suy giảm kinh tế, kim ngạch đạt 2,8 tỷ USD, giảm 14,7%. Các nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Australia gồm điện thoại các loại và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản; nông sản, hàng dệt, may.
Thông tin về đàm phán và thực thi FTA, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cho biết: Việt Nam và Australia hiện là thành viên chung của ít nhất 3 FTA gồm Hiệp định CPTPP, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN Australia - New Zealand (AANZFTA). Nếu Hiệp định CPTPP và AANZFTA giúp giảm thuế quan, thì Hiệp định RCEP giúp doanh nghiệp tận dụng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Điều này giúp tăng trưởng xuất khẩu giữa Việt Nam và Australia luôn ở mức cao.
Doanh nghiệp Việt Nam - Australia chia sẻ kinh nghiệm khai thác thị trường
Tuy nhiên, ông Khanh chỉ ra một nghịch lý là đầu tư từ Việt Nam sang Australia không tăng dù có sẵn những công cụ bắc cầu như FTA. Theo ông, điều này do các yếu tố về kỹ thuật trong cam kết rất khó thực hiện và các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm rõ thông tin chi tiết về FTA để tiếp cận cơ hội mới.
Cũng theo ông Khanh Việt Nam có nhiều dư địa để song phương gia tăng hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng chiến lược vào thị trường lẫn nhau. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác những lợi ích đến từ FTA để cân bằng lại cán cân thương mại.
Doanh nghiệp Việt cần lưu ý gì để tận dụng cơ hội thành công
Ông Phạm Đình Thưởng - Giám đốc Công ty tư vấn đầu tư và tận dụng Hiệp định Thương mại tự do KTPC - cho biết, xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới liên tục tăng trưởng từ trước khi có các FTA. Sau khi các FTA được ký kết và đi vào thực thi thì tốc độ tăng trưởng càng mạnh hơn. Tuy nhiên, với thị trường Australia thì tốc độ tăng trưởng có phần chậm hơn.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, ông Thưởng cho biết, để xuất khẩu vào thị trường này, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất khắt khe. Tuy nhiên, hiện nay sự quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam đến các tiêu chuẩn xuất khẩu của các nước còn hạn chế. Đặc biệt, với các Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP thì lao động và môi trường là những tiêu chuẩn quan trọng, song doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa quan tâm nhiều. Bên cạnh đó, với các FTA thế hệ mới, để tận dụng được cơ hội ưu đãi, hàng hóa của Việt Nam phải đáp ứng các quy tắc xuất xứ. Thế nhưng nguồn nguyên liệu với nhiều mặt hàng sản xuất công nghiệp vẫn chưa đáp ứng được. Điển hình như mặt hàng dệt may, da giày…
Theo ông Thưởng, để tận dụng được cơ hội, các doanh nghiệp cần quan tâm đến các tiêu chuẩn, bao bì sản phẩm, cải thiện về quy trình sản xuất, đáp ứng các cái tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu… Đồng thời xây dựng và triển khai chiến lược phát triển bền vững. Hiện nay xanh hóa, số hóa, sạch… là xu hướng. Song thực tế, trong nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp chưa chú trọng về môi trường về lao động và đã nhận hậu quả. Điển hình như may mặc, thủy sản. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn cung, hợp tác để giảm chi phí, đáp ứng quy tắc xuất xứ. Thường xuyên cập nhật thông tin thị trường thông qua các đối tác nhập khẩu.
Trong khi đó, ông Huỳnh Quang Thanh - Giám đốc Công ty gỗ Hiệp Long cho rằng, so với các thị trường khác, Việt Nam chưa có nhiều đoàn doanh nghiệp xúc tiến thương mại qua thị trường Australia. Do vậy, Nhà nước cần tổ chức nhiều hơn các đoàn xúc tiến thương mại qua thị trường này, để tạo cơ hội cho doanh nghiệp.