Tổng số bài đăng 237.
Hiệp định này được hai bên tuyên bố khởi xướng đàm phán vào tháng 5/2016 và hai bên đã tổ chức 6 vòng đàm phán chính thức, trước khi kết thúc đàm phán vào tháng 8 năm 2019.
Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc cho biết, hiệp định nói trên không chỉ tập trung vào việc giảm thuể hoặc cải thiện môi trường kinh doanh mà nó còn tạo lập một khuôn khổ vững chắc, nhằm xây dựng nền tảng cho hai nước phát triển kinh tế bằng cách đẩy mạnh hợp tác trong những ngành công nghiệp tiên tiến. Hàn Quốc là nước đầu tiên ở Châu Á ký hiệp định thương mại tự do với Israel, với kỳ vọng đối tác này sẽ giúp cho nền kinh tế lớn thứ 4 ở Châu Á tận dụng được những lợi thế vượt trội so với những nước láng giềng xung quanh như Trung Quốc và Nhật Bản. Trong khi đó, Israel là nước đầu tiên ở khu vực Trung Đông ký FTA với Hàn Quốc. Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc cũng bày tỏ hy vọng các công nghệ nguồn của Israel và thế mạnh sản xuất công nghiệp của Hàn Quốc có thể mang lại một hiệu ứng tổng hợp cho cả hai bên.
Theo nội dung hiệp định, Israel sẽ xóa bỏ 95,1% số dòng thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu, trong khi đối với Hàn Quốc là 95,2% các dòng thuế. Thuế nhập khẩu vào Israel đối với mặt hàng ôtô của Hàn Quốc hiện đang đứng ở mức 7% sẽ được xóa bỏ ngay lập tức, cùng với mức thuế từ 6-12% đánh vào phụ tùng ôtô, qua đó sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm này tại thị trường Israel và góp phần làm giảm chi phí sinh hoạt của người dân Israel. Đây là hai nhóm mặt hàng chiếm 47% thị phần hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc sang Israel trong năm ngoái. Trị giá các mặt hàng ôtô nhập khẩu từ Hàn Quốc dẫn đầu trên thị trường xe ôtô nhập khẩu của Israel và chiếm tỷ trọng 33% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Israel. Ngoài ra, những lợi ích khác mà Hàn Quốc có được bao gồm các sản phẩm dệt may và mỹ phẩm, theo đó tương ứng với các mức thuế 6% và 12% sẽ được Israel xóa bỏ theo nội dung hiệp định vừa ký kết. Các mặt hàng xuất khẩu khác của Hàn Quốc cũng được Israel cắt giảm thuế bao gồm tủ lạnh, thiết bị y tế, linh kiện điện tử, đồ chơi và trò chơi điện tử (game), sản phẩm chất dẻo và hóa chất. Hiệp định này sẽ giúp Hàn Quốc-là nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới, lớn thứ 4 ở Châu Á và là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Israel ở Châu Á, đẩy mạnh xuất khẩu ôtô, phụ tùng ôtô và các loại hàng hóa khác sang Israel được hưởng miễn thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Ngược lại, Hàn Quốc cũng sẽ bãi bỏ 30% thuế nhập khẩu đánh vào mặt hàng quả bưởi của Israel. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết, mức thuế này sẽ được bãi bỏ theo từng giai đoạn trong một thời kỳ là 7 năm để cân nhắc mức độ phản ứng của nông dân Hàn Quốc. Thuế nhập khẩu vào Hàn Quốc đối với các thiết bị y tế của Israel hiện đang đứng ở mức 8% sẽ được xóa bỏ trong vòng 10 năm. Hàn Quốc, cường quốc trên thê giới về sản xuất chip/thẻ nhớ, cũng cho biết thêm, nước này sẽ ngay lập tức xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với các thiết bị liên quan được nhập khẩu từ Israel. Các mặt hàng xuất khẩu khác của Israel cũng sẽ được Hàn Quốc cắt giảm thuế bao gồm máy móc và thiết bị điện, thiết bị cơ khí, phân bón, thiết bị y tế, mỹ phẩm, sản phẩm nhựa/chất dẻo, kim loại, nước trái cây và rượu vang. Vì vậy, hiệp định sẽ giúp đẩy mạnh xuất khẩu của Israel sang Hàn Quốc và thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng kinh tế của Israel. Trong năm 2020, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Israel sang Hàn Quốc đạt 890 triệu USD, trong khi nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ Hàn Quốc đạt hơn 1,5 tỷ USD. Phần lớn hàng nhập khẩu của Israel từ Hàn Quốc là ôtô, chủ yếu là từ hãng Huyndai và các nhãn hiệu khác do họ sở hữu như Kia.
Hiệp định FTA thế hệ mới cũng bao gồm các điều khoản tối huệ quốc (MFN) và đối xử quốc gia áp dụng cho các dự án đầu tư của các công ty chưa có hiện diện tại nước đối tác còn lại, tuy nhiên sẽ không được áp dụng đối với các vùng lãnh thổ của Palestine. Các công nhân Hàn Quốc thường trú tại Israel sẽ được phép gia hạn cư trú ở quốc gia Trung Đông này tới thời gian giới hạn là 63 tháng. Hiệp định này cũng có điều khoản quy định Quốc hội của mỗi nước thông qua trước khi chính thức có hiệu lực thực hiện. Hàn Quốc đặt mục tiêu dự kiến sớm thông qua để hiệp định có hiệu lực trong năm 2021. Hàn Quốc đã và đang nỗ lực mở rộng các mạng lưới FTA của mình cùng với những nỗ lực để đối phó với chủ nghĩa bảo hộ và gần đây hơn là sụt giảm kinh tế do tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hiện tại, Hàn Quốc đã có các FTA với 17 nước và khu vực, bao gồm Mỹ, EU, ASEAN… và có một số ít các FTA mà Hàn Quốc đã ký kết hiện đang chờ Quốc hội thông qua, trong đó có hiệp định ký với Indonesia và Campuchia.
Hiện nay, Israel cũng đang trong quá trình đàm phán đi vào chiều sâu với Trung Quốc, với các nỗ lực nhằm có thể kết thúc đàm phán FTA với Trung Quốc trước khi kết thúc năm 2021.