Tổng số bài đăng 237.
1. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2021, đánh dấu một bước quan trọng mang tính biểu tượng trong quan hệ đối tác ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
Hiệp định UKVFTA đưa ra các quy định điều chỉnh hoạt động thương mại song phương giữa hai bên với giá trị lên đến 5,1 tỷ bảng Anh, qua đó thiết lập nền tảng để phát triển thương mại và đầu tư, cũng như cung cấp một khuôn khổ chắc chắn cho các doanh nghiệp của Vương quốc Anh và Việt Nam. Với việc Hiệp định UKVFTA đã chính thức có hiệu lực, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa từ quần áo, giày dép đến thủy sản và dược phẩm giữa hai bên sẽ không bị gián đoạn. Hai bên cũng chia sẻ cam kết chiến lược đối với thương mại toàn cầu, lưu chuyển tự do về vốn và đầu tư.
2. Hiệp định UKVFTA đưa ra những cam kết tiếp cận thị trường với lộ trình cắt giảm thuế quan ưu đãi cho hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Cụ thể, cam kết xóa bỏ 65% số dòng thuế trong khuôn khổ thương mại song phương tiếp tục được duy trì trong Hiệp định này. Trong 6 năm tới, 99% số dòng thuế sẽ tiếp tục được xóa bỏ thuế quan. Hiệp định UKVFTA sẽ đem lại cơ hội xuất khẩu cho Vương quốc Anh đối với các mặt hàng như máy móc, thiết bị cơ khí, và dược phẩm. Đối với Việt Nam, Hiệp định UKVFTA sẽ đem lại những cơ hội tương tự trong việc xuất khẩu những sản phẩm quan trọng như điện thoại và linh kiện, quần áo, giầy dép và hải sản sang Vương quốc Anh. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục được hưởng hạn ngạch thuế quan cho 14 mặt hàng, trong đó có mặt hàng gạo với mức độ tiếp cận thị trường cao hơn.
3. Thương mại dịch vụ tiếp tục được phát triển trong khuôn khổ Hiệp định UKVFTA. Việt Nam không chỉ đã mở cửa thêm các ngành dịch vụ cho các nhà cung cấp dịch vụ của Vương quốc Anh, mà còn đưa ra các cam kết cao hơn các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO - dành cho Vương quốc Anh những cam kết tiếp cận thị trường thuận lợi. Các ngành dịch vụ có cam kết cao hơn trong Hiệp định UKVFTA bao gồm dịch vụ tài chính, viễn thông và dịch vụ giáo dục.
4. Về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, hai bên tiếp tục cam kết với mức bảo hộ cao. Các sản phẩm mang tính biểu tượng của Vương quốc Anh, bao gồm Scotch whisky, Scottish farmed Salmon, Irish whiskey và Irish cream, cũng như 36 sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, trong đó có chè Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột, gạo Hải Hậu và nước mắm Phú Quốc, tiếp tục được bảo hộ.
5. Hiệp định UKVFTA cũng đảm bảo tiếp cận thị trường mua sắm chính phủ của Việt Nam, do đó doanh nghiệp Vương quốc Anh có nhiều cơ hội tham gia đấu thầu những hợp đồng mua sắm chính phủ.
6. Hiệp định UKVFTA cũng là một bước tiến quan trọng đối với tiến trình gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Vương quốc Anh - một ưu tiên của Chính phủ Vương quốc Anh. Việt Nam ủng hộ và hoan nghênh việc Vương quốc Anh nộp đơn gia nhập Hiệp định CPTPP. Điều này sẽ đưa hai nước đến gần hơn với tầm nhìn của CPTPP về thúc đẩy hội nhập kinh tế và ủng hộ tự do hóa thương mại và đầu tư trên toàn cầu.
7. Việc Hiệp định UKVFTA chính thức có hiệu lực là cột mốc mới nhất trong một năm tăng cường quan hệ thương mại và song phương giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Hiệp định UKVFTA sẽ song hành và bổ sung cho Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Vương quốc Anh đã được ký kết vào tháng 9 năm 2020. Vương quốc Anh cam kết tăng cường tham gia vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với tư cách là một đối tác năng động và đáng tin cậy trong bối cảnh khu vực ngày một phát triển thịnh vượng, và Việt Nam sẽ là một đối tác quan trọng trong quá trình này.